Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đề xuất tăng học phí tại các trường công lập: Không ảnh hưởng đến học sinh nghèo

Thống Nhất| 10/05/2017 06:58

(HNM) - Đâu là căn cứ để xây dựng mức học phí mới? Học sinh thuộc diện chính sách, học sinh nghèo liệu có bị ảnh hưởng? Trước những băn khoăn này, đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội khẳng định, đề xuất tăng học phí mới không ảnh hưởng đến học sinh nghèo...

Hà Nội sẽ thực hiện nhiều giải pháp, không để việc tăng học phí ảnh hưởng đến học sinh nghèo. Ảnh: Bá Hoạt


Mức tăng nằm trong khung học phí

Theo Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, từ năm học 2017-2018, mức thu học phí dự kiến đối với giáo dục mầm non và phổ thông công lập là 110 nghìn đồng/học sinh (HS)/tháng (với khu vực thành thị), tăng 30 nghìn đồng so với mức thu hiện tại; 55 nghìn đồng/HS/tháng (nông thôn), tăng 15 nghìn đồng; 14 nghìn đồng/HS/tháng (miền núi), tăng 4 nghìn đồng.

Trước một số ý kiến cho rằng, tăng học phí như vậy là đột ngột, gây khó cho người dân, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, việc đề xuất tăng học phí của Hà Nội được căn cứ theo hai nguyên tắc: Thứ nhất, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nêu rõ, từ năm học 2016 - 2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.

Thứ hai, Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông công lập cũng quy định mức thu học phí đối với chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông công lập năm học 2017-2018 và các năm tiếp theo, với nguyên tắc học phí hằng năm sẽ được điều chỉnh tăng dần trong khung quy định, đến năm học 2020-2021 mức thu học phí sẽ bằng mức cao nhất trong khung quy định của Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Trên thực tế, mức thu học phí hiện tại còn ở mức thấp trong khung học phí quy định, các nhà trường phải sử dụng 40% tổng số thu học phí để chi thực hiện cải cách tiền lương, phần kinh phí còn lại (60% nguồn thu học phí) để chi cho các hoạt động hỗ trợ dạy - học rất hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29/NQ-TƯ ngày 4-11-2013.

Theo ông Nguyễn Viết Cẩn, mức học phí dự kiến năm học 2017 - 2018 tăng khoảng 40% so với năm học 2016 - 2017 và nằm trong khung quy định của Chính phủ. Cụ thể, mức trần học phí quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP là 300 nghìn đồng/HS/tháng (đối với khu vực thành thị); 120 nghìn đồng/HS/tháng (nông thôn) và 60 nghìn đồng/HS/tháng (miền núi). Việc tăng học phí hằng năm đối với các trường công lập đã được quy định, có lộ trình, địa phương không thể tùy ý điều chỉnh.

Nghị định 86/2015/NĐ-CP cũng quy định rõ: HĐND cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hằng năm, phù hợp với thực tế các vùng trên địa bàn của mình. Hiện các nội dung liên quan đến vấn đề điều chỉnh mức học phí đang được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi để tiếp tục hoàn thiện, trước khi trình HĐND TP Hà Nội phê duyệt, tại kỳ họp HĐND vào tháng 7-2017. Các nhà trường chỉ được áp dụng mức học phí mới, sau khi có Nghị quyết của HĐND thành phố.

Bảo đảm an sinh xã hội

Đề xuất tăng mức học phí của các trường mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2017-2018 đang là thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh: Bá Hoạt


Dự kiến tăng học phí đang kéo theo mối lo của không ít gia đình khi gánh nặng chi phí hằng tháng sẽ bị đội lên không nhỏ, nhất là với những gia đình khó khăn, có nhiều con đang đi học. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn thành phố có 47 nghìn HS thuộc diện chính sách, HS tàn tật, HS thuộc diện hộ nghèo. Ông Lê Ngọc Tôn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì cho biết, địa phương có tới 7 xã miền núi, tỷ lệ HS là con em người dân tộc thiểu số ở nhiều xã chiếm từ 25% đến 35%, nhiều gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn.

Trong tổng số 69 nghìn HS của toàn huyện, số HS diện chính sách được hưởng chế độ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập là hơn 10 nghìn em. Mức học phí cho khu vực miền núi tăng từ 10 nghìn đồng/HS/tháng, lên 14 nghìn đồng/HS/tháng như dự kiến đối với không ít gia đình là một khó khăn không nhỏ.

Theo ông Nguyễn Viết Cẩn, dù học phí tăng nhưng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho giáo dục mầm non và phổ thông công lập của Hà Nội chủ yếu vẫn là từ ngân sách nhà nước. Định mức ngân sách cho HS giai đoạn 2016 - 2020 đã tăng gần gấp đôi so với trước đây, trong đó cấp mầm non 7,5 triệu đồng/HS/năm, THCS 7,2 triệu đồng/HS/năm, THPT 7,3 triệu đồng/HS/năm... Nguồn học phí tăng thêm sẽ hỗ trợ cùng ngân sách nhà nước để cải thiện điều kiện dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục cho các trường khu vực khó khăn.

Chủ trương của Hà Nội là, bên cạnh việc dự kiến tăng học phí, Hà Nội vẫn thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội, không để bất cứ HS nào vì gia đình nghèo khó, mà không có tiền đóng học phí. Ông Nguyễn Viết Cẩn khẳng định, việc tăng học phí không làm ảnh hưởng đến các đối tượng HS thuộc hộ nghèo, HS diện chính sách vì những HS này được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Toàn thành phố có khoảng 32 nghìn HS thuộc diện chính sách được miễn học phí, 15 nghìn HS thuộc diện được giảm học phí. Năm học 2017-2018, tổng kinh phí thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho HS ước tính khoảng gần 22 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với năm học 2016-2017.

Giải tỏa mối lo của nhiều phụ huynh HS khi có thông tin cho rằng, những quy định về chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập chỉ được áp dụng với HS học tại các trường công lập, ông Nguyễn Viết Cẩn cho biết, để bảo đảm công bằng, Hà Nội sẽ áp dụng các chính sách này tới từng HS, cho dù HS theo học ở trường công lập hay ngoài công lập. Trong trường hợp HS học tại các trường ngoài công lập, ngân sách sẽ chi trả trực tiếp cho các trường với kinh phí căn cứ vào số lượng HS thuộc diện chính sách theo học thực tế hằng năm...

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết: Cùng với việc tăng học phí, các cơ sở giáo dục công lập phải thực hiện công khai mức thu học phí theo năm học, khóa học; thu - chi tài chính phải công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích; quản lý chặt chẽ các khoản thu ngoài học phí, các khoản thu tự nguyện và tình trạng dạy thêm, học thêm của các trường. Sở GD-ĐT sẽ nghiêm khắc kỷ luật đối với những cá nhân, đơn vị sai phạm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đề xuất tăng học phí tại các trường công lập: Không ảnh hưởng đến học sinh nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.