Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân rộng những tấm gương cháu ngoan Bác Hồ

Thống Nhất| 24/05/2017 06:30

(HNM) - Kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Giáo dục Thủ đô tổ chức lễ tuyên dương hơn 1.000 học sinh tiêu biểu, đại diện cho 1,8 triệu học sinh các cấp học, bậc học năm học 2016-2017...

Cô trò Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) thi đua dạy tốt, học tốt. Ảnh: Anh Tuấn


Điều kiện dạy và học được nâng cao

Năm học 2016-2017, mạng lưới trường, lớp học của Thủ đô tiếp tục được mở rộng, cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ mới. Toàn thành phố có gần 2.700 trường, nhóm lớp, 1,8 triệu học sinh, tăng 43 trường, 1 nghìn nhóm lớp và 95 nghìn học sinh so với cùng kỳ năm học trước.

Xác định tầm quan trọng của việc tăng cường đầu tư cho việc củng cố điều kiện dạy và học là cơ sở để các nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục tham mưu UBND thành phố dành sự quan tâm, đầu tư thiết thực đối với việc xây dựng, mở rộng mạng lưới trường, lớp; đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học tiếp tục được triển khai, trong đó tập trung vào việc xây mới, thay thế các phòng học cấp 4 đã xuống cấp ở tất cả các cấp học. Cho đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của thành phố đạt 57%.

Trong năm qua, ngành Giáo dục Hà Nội tập trung cao độ cho việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Tổng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là 26 tỷ đồng. Việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá nhận được sự hưởng ứng tích cực của đội ngũ giáo viên toàn ngành, tạo động lực mạnh mẽ đối với học sinh trong học tập và rèn luyện.

Cùng với những nỗ lực kể trên, toàn ngành Giáo dục Hà Nội còn tập trung đầu tư xây dựng thư viện trường học, nhằm phục vụ học sinh tham khảo tài liệu học tập và rèn luyện thói quen đọc sách. Tỷ lệ thư viện trường học đạt chuẩn và tiên tiến ở mức hơn 90%. Học sinh các trường đều được bố trí thời khóa biểu có tiết học đọc sách tại thư viện vào mỗi tuần. Hà Nội cũng là nơi khơi nguồn và lan tỏa cuộc vận động “Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, với hàng nghìn học sinh được giúp đỡ; cấp sách giáo khoa cho học sinh thuộc diện chính sách, không để bất kỳ em nào vì điều kiện kinh tế khó khăn mà không thể đến trường.

Đánh giá về chất lượng giáo dục trong năm học 2016-2017, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận định: Tất cả các bậc học, cấp học đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt nhiều thành tích nổi bật. Sự chuyển biến tích cực thể hiện ở khắp các nhà trường, cả ở khối trường công lập và ngoài công lập. Những kết quả cụ thể trong việc học tập, rèn luyện của học sinh Thủ đô đã khẳng định chất lượng giáo dục Hà Nội tiếp tục nằm trong tốp dẫn đầu cả nước.



Chuyển biến mạnh về chất lượng giáo dục

Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2017, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải, với 146 giải, trong đó có 11 giải nhất. Trong các kỳ thi Olympic quốc tế, học sinh Thủ đô giành được 16 giải và huy chương. Đặc biệt, trong những ngày đầu tháng 5-2017, học sinh Hà Nội đã xuất sắc giành tấm Huy chương Vàng duy nhất cho đoàn Việt Nam tại Olympic Vật lý Châu Á. Ở các cuộc thi quốc tế và khu vực dành cho bậc học tiểu học và THCS, học sinh Hà Nội đã giành được hơn 160 huy chương các loại, khẳng định kết quả giáo dục đồng đều, liên thông giữa các cấp học.

Tại lễ tuyên dương năm nay, trong số hơn 1.000 học sinh được biểu dương trong đợt này, có 40 học sinh giỏi thuộc diện tiêu biểu xuất sắc trong năm học 2016-2017. Cụ thể là: Cấp tiểu học: Nguyễn Thanh Nhàn (Thị trấn Thường Tín - Thường Tín), Nguyễn Gia Hưng (Xuân Đỉnh - Bắc Từ Liêm), Nguyễn Minh Khanh (Tân Hội A - Đan Phượng), Nguyễn Tâm Thảo (Vân Nội - Đông Anh), Phùng Đức Quang (Cát Linh - Đống Đa), Võ Hoàng Hải (Văn Yên - Hà Đông), Nguyễn Tùng Nguyên (Lê Văn Tám - Hai Bà Trưng), Lê Văn Linh (Cát Quế B - Hoài Đức), Trần Hoàng Quân (Trần Quốc Toản - Hoàn Kiếm), Phạm Lê Công (Tân Mai - Hoàng Mai), Trần Văn Tùng (An Tiến - Mỹ Đức), Nguyễn Như Khôi (Chu Văn An - Tây Hồ), Nguyễn Hữu Đức Anh (Thị trấn Quốc Oai A - Quốc Oai), Nguyễn Phương Thảo (Tiểu học A Thị trấn Văn Điển, Thanh Trì), Nguyễn Hoàng Tùng (Nguyễn Trãi - Thanh Xuân). Cấp THCS: Nguyễn Trung Hiếu (Ba Đình - Ba Đình), Nguyễn Trung Kiên (Phú Châu - Ba Vì), Phạm Duy Tùng (Lê Quý Đôn - Cầu Giấy), Hoàng Thị Huyền (Ngô Sỹ Liên - Chương Mỹ), Đỗ Chí Thành (Thị trấn Châu Quỳ - Gia Lâm), Đinh Nguyễn Phương Hạnh (Ngọc Lâm - Long Biên), Hà Thị Phương Thảo (Kim Hoa - Mê Linh), Trần Quốc Trung (Nam Từ Liêm - Nam Từ Liêm), Lê Hà Thanh (Trần Phú - Phú Xuyên), Phạm Khánh Linh (Thượng Cốc - Phúc Thọ), Trần Phương Thảo (Trung Giã - Sóc Sơn), Nguyễn Hữu Trường (Sơn Tây - Sơn Tây), Nguyễn Thị Thường (Hương Ngải - Thạch Thất), Đỗ Văn Đạt (Cao Viên - Thanh Oai), Nguyễn Minh Doanh (Nguyễn Thượng Hiền - Ứng Hòa). Cấp THPT: Nguyễn Bá Hải (Đào Duy Từ), Đinh Thị Kim Duyên (Mỹ Đức C), Nguyễn Văn Hoàng (Ngọc Tảo), Nguyễn Hoàng Linh (Trương Định), Lê Hải Triều (Nguyễn Du), Nguyễn Quang Thiện (Đồng Quan), Nguyễn Minh Đức (Trần Hưng Đạo - Hà Đông), Hoàng Thị Minh Hạnh (Phổ thông Năng khiếu thể dục thể thao), Nguyễn Thị Hằng (Bất Bạt), Ngô Văn Sơn (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Đông Anh).

Cùng với hoạt động dạy học, công tác giáo dục đạo đức, nếp sống cho học sinh được triển khai bằng nhiều hình thức, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa của Thủ đô, hình thành thế hệ học sinh phát triển toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân rộng những tấm gương cháu ngoan Bác Hồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.