Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ký ức về một thời cầm súng

Thống Nhất| 01/06/2017 06:45

(HNM) - Trong không khí hào hùng hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chúng tôi tìm gặp một số nhà giáo - chiến sĩ là người Hà Nội từng một thời cầm súng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.

Chiến sĩ - thầy giáo Nguyễn Trí Dũng (bên phải) cùng đồng đội về thăm chiến trường xưa.


Dạy học trong thời chiến

Tháng 1-1973, vừa học hết lớp 10 tại Trường cấp 3 Mỹ Đức, cũng như bao thanh niên cùng trang lứa, Nguyễn Trí Dũng nhập ngũ và được biên chế vào một đại đội trinh sát đóng quân ở tỉnh Bình Định. Từng tham gia nhiều trận đánh lớn, trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, là thương binh hạng 3/4, song chiến sĩ Nguyễn Trí Dũng có ấn tượng đặc biệt sâu sắc với khoảng thời gian hơn một năm làm "thầy giáo bất đắc dĩ" cho đồng đội của mình. Đó là vào tháng 4-1976, Nguyễn Trí Dũng được phân công dạy bổ túc văn hóa ở một trường thuộc Quân khu 5.

“Nhiệm vụ đó với tôi là vinh dự, tự hào, vì thời chiến, không mấy người có trình độ văn hóa hết lớp 10. Nhưng tôi cũng nhận thức rõ, đây là nhiệm vụ nặng nề, bởi những người học phần lớn có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, có người sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng như Đinh Banh, Đinh Tía… Trong khi đó, đa phần “học trò” lại là người dân tộc thiểu số, chuyện đánh vần, tính số với họ đôi khi còn khó gấp bội phần so với cầm súng đánh giặc” - thầy Dũng cho biết.

Trong hoàn cảnh ấy, mặc dù chưa một ngày được học kỹ năng sư phạm, nhưng chiến sĩ - thầy giáo Nguyễn Trí Dũng vẫn quyết tâm nhận nhiệm vụ mới. Vấn đề được đặt ra lúc này là xây dựng chương trình, giáo án như thế nào cho phù hợp với các trình độ. “Tôi cùng nhiều đồng nghiệp chia “học trò” để dạy theo các trình độ. Chủ trương được xuyên suốt lúc bấy giờ là “người biết chữ dạy người chưa biết; người biết nhiều dạy người biết ít”, thầy - trò cùng nhau tập luyện, cốt yếu chỉ cần biết một số con tính đơn giản và biết ký, viết thư”.

Chiến sĩ - thầy giáo Nguyễn Trí Dũng kể lại, thành quả đầu tiên của mỗi học trò sau khóa học là viết được một bức thư gửi cho gia đình để người thân biết được chồng, cha, con của họ đóng quân ở đâu, đơn vị nào, hay đơn giản để họ biết người thân còn sống.

Hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương Ứng Hòa, cũng chính ký ức từ những ngày đi dạy bổ túc đã thôi thúc Nguyễn Trí Dũng - khi ấy mới 22 tuổi theo học ngành Sư phạm và gắn bó với "bảng đen, phấn trắng" suốt chặng đường còn lại, đến khi được nghỉ chế độ vào tháng 12-2015. Từng là giáo viên trực tiếp đứng lớp, rồi làm Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), song ở cương vị nào, nhà giáo - chiến sĩ Nguyễn Trí Dũng vẫn luôn được đồng nghiệp nể trọng, vì sự tận tâm với nhiệm vụ được giao.

Tận tâm với sự nghiệp “trồng người”

Thầy giáo Nguyễn Minh Công, Trường THPT Thanh Oai A (huyện Thanh Oai) là một trong số rất ít người từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam hiện còn đứng trên bục giảng. Gặp thầy giáo Nguyễn Minh Công vào một buổi sáng tháng 5, khi việc giảng dạy đã tạm lắng xuống, song vẫn thấy rõ sự dạt dào, say nghề. Thầy cho biết, chừng này sang năm sẽ được về nghỉ chế độ. Nỗi xúc động, bồi hồi của người thầy giáo già như nhiều hơn khi nhắc đến mái trường đã từng gắn bó suốt 32 năm công tác. Đây cũng chính là mái trường mà trước khi lên đường nhập ngũ, thầy giáo Nguyễn Minh Công theo học.

Tốt nghiệp lớp 10 năm 1975, Nguyễn Minh Công trong lòng “sôi sục” khi thấy bạn bè cùng lứa lần lượt được gọi nhập ngũ. Lý do khi ấy chỉ bởi Công quá thấp bé, không đủ điều kiện đi bộ đội. Mãi tới tháng 9-1976, anh mới có tên trong đợt giao quân cuối cùng của huyện Thanh Oai. Sau một năm huấn luyện, đóng quân ở Sơn Tây, năm 1977, Nguyễn Minh Công nằm trong danh sách 100 chiến sĩ lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Vết tích của bom đạn đến giờ vẫn còn hằn trên cánh tay của chiến sĩ trẻ Nguyễn Minh Công, khi ấy vừa tròn tuổi 20.

Nhớ lại thời khắc ấy, thầy Công vẫn rưng rưng: “Đó là vào một ngày tháng 4-1978. Khoảng 5h sáng, tôi cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ tại đồn Đồng Đức (An Giang) thì bị địch tập kích. Tôi bị thương và được chuyển vào bệnh viện điều trị khoảng một tháng. Sau khi vết thương bình phục, tôi quay trở lại đồn nhận nhiệm vụ và thực hiện nghĩa vụ, đến tháng 2-1980 thì phục viên”.

Là con thứ hai trong gia đình có 6 anh chị em, bố và các anh em đều tham gia chiến trường, mẹ là giáo viên, dường như trong dòng máu của người chiến sĩ Nguyễn Minh Công không chỉ mang đậm chất nghĩa khí của người lính, mà còn tràn đầy nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp "trồng người". Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, thầy giáo trẻ Nguyễn Minh Công đã đem kiến thức, sự trải nghiệm để chia sẻ, dẫn dắt bao lớp học trò Trường THPT Thanh Oai A. 32 năm gắn bó với mái trường này, nhiều học trò đã trưởng thành từ đây, song hình ảnh người thầy giáo nhỏ nhắn, yêu nghề với những câu chuyện cảm động về tình người trong chiến tranh là điều ai cũng cảm phục.

Trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc, đã có rất nhiều người như thầy giáo Nguyễn Trí Dũng, Nguyễn Minh Công đã tham gia phục vụ quân đội, trực tiếp cầm súng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã để lại một phần xương máu ở chiến trường và đó là sự cống hiến rất cao quý. Khi đất nước hòa bình, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những người chiến sĩ - thầy giáo tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp "trồng người".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức về một thời cầm súng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.