Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng giảng viên đại học còn hạn chế

Thống Nhất| 11/08/2017 14:04

(HNMO) - Ngày 11-8, tại ba điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Dân trí


Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2016-2017, các đơn vị đã thực hiện hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, trong đó có việc quy hoạch mạng lưới, định hướng, phân luồng và hướng nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; đẩy mạnh việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… Một trong những vấn đề nổi bật thu hút sự quan tâm của các cơ sở giáo dục và đào tạo tại hội nghị là chất lượng giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học và các trường sư phạm.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, năm học 2016-2017, tổng số giảng viên trong các trường đại học là gần 73 nghìn người, tăng 4,6% so với năm học 2015-2016, trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.500 người, tăng 21,4% và thạc sĩ là 43 nghìn người, tăng 6,6%. Năm 2016, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã công nhận 65 giáo sư, 638 phó giáo sư. Ở khối các trường cao đẳng sư phạm, số lượng giảng viên đang làm việc là gần 3.400 người, trong đó có 115 tiến sĩ, gần 2.200 thạc sĩ. Điều đáng lưu tâm là dù quy mô giảng viên lớn như vậy, nhưng số lượng công trình nghiên cứu khoa học còn hạn chế, nhiều giảng viên không tham gia nghiên cứu khoa học, nhiều giảng viên không có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, một bộ phận giảng viên có trình độ ngoại ngữ hạn chế. Theo thống kê, năm 2016, tại các trường đại học và sư phạm trên cả nước có 274 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp được nghiệm thu, thu hút sự tham gia của gần 3 nghìn lượt người; xuất bản được 36 đầu sách tham khảo và chuyên khảo; công bố gần 600 bài báo trên các tạp chí; 115 sản phẩm ứng dụng…

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các chính sách về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên chưa đồng bộ, hiệu lực chưa cao; việc tuyển dụng giảng viên có trình độ chuyên môn giỏi ở trong và ngoài nước tham gia giảng dạy các cơ sở đào tạo còn nhiều khó khăn do chính sách thu hút chưa đủ mạnh; cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ chưa tạo động lực để thu hút người giỏi về làm việc… Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục còn nhiều hạn chế về năng lực quản lý, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình quản lý chất lượng dựa trên chuẩn, tiêu chuẩn và tự chủ đại học.

Năm học 2016-2017, cả nước có 235 trường đại học, học viện, bao gồm 170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài, 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Tổng quy mô sinh viên đại học là gần 1,8 triệu người, tăng 0,8% so với năm học 2015-2016.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng giảng viên đại học còn hạn chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.