Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lối thoát nào cho đào tạo ngành Sư phạm?

Thống Nhất| 17/08/2017 06:16

(HNM) - Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, trong khi nhiều trường, ngành có mức điểm chuẩn cao kỷ lục, thì khối ngành Sư phạm gần như chạm đáy...


Hội thi nghiệp vụ sư phạm của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết


Ít mặn mà với sư phạm

Hiếm có năm nào mặt bằng điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường, ngành khối Sư phạm lại thấp như năm nay. Điều đáng nói là dù đã hạ mức điểm chuẩn trúng tuyển, nhưng các trường, ngành sư phạm vẫn khá khó khăn trong tuyển sinh - minh chứng cho thấy không nhiều thí sinh mặn mà với ngành học này.

Ngoại trừ một số trường lớn như Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... có mức điểm chuẩn cao, hầu hết các trường đại học sư phạm đều có mức điểm chuẩn 15,5 điểm. Đáng chú ý, ở khối cao đẳng, một số trường ở Hải Dương, Lào Cai, Thái Bình, Gia Lai... mức điểm chỉ dao động chỉ từ 9 đến 10,5 điểm. Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh thậm chí không có thí sinh đăng ký ngành Sinh học. Tại Hà Nội, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây có 8/10 ngành đào tạo lấy điểm chuẩn trúng tuyển là 10 điểm, ngành cao nhất là 12 điểm nhưng kết thúc đợt 1 tuyển sinh chưa đầy 40% số thí sinh xác nhận nhập học.

Tương tự, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk có chưa đầy 30% số thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học. Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo cho thấy, quy mô sinh viên đại học năm học 2016-2017 tăng 0,8% so với năm học trước - với mức gần 1,8 triệu sinh viên, nhưng quy mô sinh viên cao đẳng sư phạm lại giảm 14,3%, chỉ còn chưa đầy 48.000 sinh viên.

Bức tranh tuyển sinh của các trường sư phạm hiện nay khiến không ít người liên tưởng tới câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Chia sẻ về vấn đề này, nhiều người đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ Giáp Văn Dương (người sáng lập nền tảng giáo dục trực tuyến GiapChool) khi cho rằng, hiện tượng này thực sự đáng lo ngại, bởi “đầu vào” của ngành đào tạo sư phạm thấp như vậy, khó có thể kỳ vọng “đầu ra” chất lượng cao. Không có giáo viên giỏi thì chất lượng giáo dục sẽ đi xuống, nhất là khi Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, dự kiến triển khai trong 2-3 năm tới, đòi hỏi giáo viên hội đủ nhiều yếu tố, trong đó có kiến thức, kỹ năng dạy học tích hợp, liên môn, phương pháp dạy học sáng tạo để học sinh phát triển toàn diện cả về năng lực và phẩm chất.

Cấp thiết quy hoạch, sắp xếp lại

Tính đến hết năm học 2016-2017, cả nước có 155 trường đào tạo giáo viên, trong đó có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng và 40 trường trung cấp. Trung bình, ở mỗi địa phương có hơn 2 trường đào tạo ngành Sư phạm. Hệ thống đào tạo giáo viên đã bộc lộ nhiều hạn chế như chưa có sự phân tầng, việc phát triển mạng lưới chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu phát triển giáo viên. Các trường phổ thông đã tăng số lượng giáo viên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn mới, song cũng không thể tuyển dụng hết số giáo viên tốt nghiệp. Ước tính, với quy mô hiện nay, cả nước sẽ thừa khoảng 70.000 giáo viên vào năm 2020, trong đó nhiều nhất là giáo viên cấp tiểu học.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm là yêu cầu cấp thiết. Nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng vừa thừa, vừa thiếu và yếu về nhân lực ngành Sư phạm hiện nay là chưa có sự quản lý thống nhất về chỉ tiêu, nguồn lực đầu tư thiếu tập trung...

Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, những băn khoăn về điểm chuẩn vào ngành Sư phạm là có cơ sở, song đây chỉ là một trong nhiều yếu tố đánh giá chất lượng. Vấn đề quan trọng nhất trong việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm là phải dự báo về tình hình nhân lực, từ đó xác định đâu là nơi đào tạo trọng điểm, nơi nào cần phân hiệu, từ đó xác định lộ trình đầu tư trọng tâm, phù hợp với nhu cầu phát triển của hệ thống và nhu cầu của thị trường sử dụng lao động.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, đã đến lúc cần tập trung nguồn lực xây dựng các trường trọng điểm, những trường yếu thì nên hợp nhất lại hoặc sáp nhập vào những trường trọng điểm để tăng cường năng lực đào tạo những “sản phẩm” chất lượng. Để giải quyết bài toán thừa giáo viên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 bên: Cơ sở đào tạo giáo viên, cơ quan quản lý và các trường phổ thông để nắm rõ nơi nào thiếu giáo viên môn gì, số lượng cần bổ sung, từ đó cân đối chỉ tiêu...

Trước những lo ngại về sự phát triển của hệ thống trường đào tạo sư phạm trong tương lai, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học nói chung, hệ thống các trường đào tạo sư phạm nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm học 2017-2018. Quá trình khởi động sẽ có chút "sóng sánh", nhưng Bộ và các trường cần hiệp đồng trách nhiệm với quyết tâm cao, chấp nhận khó khăn, như vậy mới hy vọng có sự khởi sắc.

Bộ Giáo dục - Đào tạo đang xây dựng Đề án Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm trên toàn quốc, xây dựng chuẩn trường sư phạm, giảm dần chỉ tiêu vào các trường sư phạm để tập trung đầu tư cho chất lượng...

Thế nhưng, bài toán “đầu vào” cho các trường đào tạo giáo viên chỉ có thể được giải quyết thấu đáo, khi có những giải pháp đồng bộ như bảo đảm thu nhập và chế độ đãi ngộ hợp lý đối với giáo viên, công tác tuyển dụng được tổ chức minh bạch, công bằng và bảo đảm chất lượng. Điều này lại nằm ngoài tầm tay của ngành Giáo dục - Đào tạo.

Sẽ quy định "điểm sàn" cho các trường đào tạo ngành Sư phạm

Tại buổi làm việc với các cơ sở đào tạo ngành Sư phạm chiều 16-8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, từ năm 2018, Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) riêng đối với các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Các đơn vị cần quan tâm tới việc gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng, không để xảy ra tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ.

Bộ Giáo dục - Đào tạo kiên quyết dừng đào tạo đối với những ngành đang đào tạo, nhưng không đáp ứng được các điều kiện bảo đảm chất lượng, không bảo đảm chuẩn "đầu ra" theo quy định; đồng thời ưu tiên đầu tư cho những ngành đủ điều kiện, địa phương có nhu cầu tuyển dụng. Cục Quản lý chất lượng có trách nhiệm tăng cường kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng của các ngành đào tạo sư phạm đã mở, nếu không đủ điều kiện, không được tuyển sinh.

Hồng Hạnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lối thoát nào cho đào tạo ngành Sư phạm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.