Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao vẫn còn băn khoăn?

Thống Nhất| 17/08/2017 06:31

(HNM) - Trước những phản hồi thiếu tích cực của một số địa phương về những khó khăn, bất cập trong thực hiện mô hình trường học mới (VNEN), mới đây, Bộ GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát các điều kiện triển khai với lưu ý chấn chỉnh kịp thời những đơn vị chưa đủ điều kiện.


Bảo đảm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên

VNEN bắt đầu được triển khai thí điểm tại 6 tỉnh từ năm học 2011-2012, đến nay đã áp dụng tại 5.600 trường, chiếm tỷ lệ 15% số học sinh tiểu học và 10% số học sinh THCS trên cả nước. Về cơ bản, đây là mô hình được đánh giá có nhiều ưu việt, trong đó giúp học sinh phát huy năng lực tích cực, tự quản trong học tập. Tuy nhiên, ngay trước thềm năm học mới 2017-2018, một số địa phương lại băn khoăn về việc có nên tiếp tục mô hình này hay không?

Một giờ học tại Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) - một trong những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng mô hình trường học mới (VNEN). Ảnh: Nhật Nam


Hà Tĩnh là đơn vị khá tích cực, khi yêu cầu 100% các trường triển khai VNEN từ năm học 2016-2017, song đã vấp phải phản ứng của phụ huynh nên đang đợi chỉ đạo của cơ quan chức năng trước khi tiếp tục thực hiện. Là đơn vị áp dụng VNEN từ những ngày đầu với hơn 150 trường học, Hải Phòng cũng đang băn khoăn trước câu hỏi nên dừng hay tiếp tục. Còn tỉnh Hà Giang, dù mới thực hiện tại gần 20 trường học ngay từ năm học 2015-2016, song chỉ sau một năm, đã dừng thực hiện VNEN để quay về mô hình dạy học truyền thống. Không chỉ các tỉnh, thành phố nêu trên, nhiều địa phương như Bắc Ninh, Nghệ An cũng đã tạm dừng việc nhân rộng mô hình.

Trước những phản hồi này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhận định, do chưa có sự chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, việc triển khai còn máy móc, hình thức khiến cho VNEN vấp phải những phản ứng từ dư luận. Đáng chú ý, một số nơi còn nhầm lẫn, coi đây là chương trình giáo dục mới, nên việc thực hiện chưa phù hợp.

Để có căn cứ quyết định có hay không tiếp tục triển khai VNEN trong năm học mới, ngày 8-8-2017, Bộ GD-ĐT có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện đồng thời giao cho địa phương quy định rõ trách nhiệm của từng cấp quản lý giáo dục, quy định việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện. Bộ cũng công bố chi tiết các điều kiện tối thiểu để được triển khai với lưu ý, đơn vị nào chưa bảo đảm các điều kiện tối thiểu phải dừng ngay từ năm học 2017-2018.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Có hai điều kiện bắt buộc cần tuân thủ là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Theo đó, các đơn vị phải bảo đảm sĩ số lớp học không quá 35 học sinh/lớp (cấp tiểu học), 45 học sinh/lớp (cấp THCS), phòng học bảo đảm diện tích theo tiêu chuẩn quốc gia, sách và tài liệu hướng dẫn dạy học do Bộ GD-ĐT thẩm định, cho phép sử dụng; giáo viên phải đạt chuẩn trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp, có kỹ năng thiết kế bài học và tổ chức cho học sinh học tập theo phương pháp dạy học tích cực…

Thiếu điều kiện, kém tuyên truyền

Năm học 2016-2017, Hà Nội có 114 trường tiểu học áp dụng VNEN. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) Lê Thị Thu Hường cho biết, là đơn vị công lập chất lượng cao, trường có nhiều thuận lợi để tiếp tục thực hiện VNEN trong năm học mới. Kết quả thực hiện thời gian qua của trường nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phụ huynh, trong đó rõ nhất là những chuyển biến của học sinh về các kỹ năng trong học tập và giao tiếp hằng ngày.

Dù được cho có khá nhiều ưu việt, đặc biệt trong việc tạo hứng thú, cảm hứng và chủ động cho học sinh trong việc học, song ý kiến của nhiều giáo viên trực tiếp đứng lớp cho rằng, không phải nơi nào cũng có thể áp dụng. Như với Hà Nội - nơi có nhiều trường thuận lợi về cơ sở vật chất thì sĩ số lớp lại đông, thậm chí không hiếm nơi lên tới 50 học sinh/lớp; nơi có sĩ số thấp lại gặp khó khăn về trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên…

Trước những băn khoăn về mô hình, ông Phạm Hồng Phong, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì dẫn chứng: Kết quả so sánh cuối năm học vừa qua cho thấy, học sinh 4/5 trường của huyện thực hiện mô hình VNEN có kết quả học tập cao hơn so với các trường không áp dụng, chỉ học sinh ở 1 trường có kết quả học tập thấp hơn. Khó khăn nhất với các đơn vị khi triển khai là mua sách, tài liệu hướng dẫn dạy học khá đắt tiền; cơ sở vật chất một số trường lạc hậu, thiếu thốn với gần 100 phòng học cấp 4 xuống cấp… Phòng GD-ĐT huyện Ba Vì đề xuất Sở GD-ĐT tham mưu với thành phố hỗ trợ kinh phí cho những đơn vị khó khăn, đồng thời có kế hoạch tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường thực hiện mô hình này.

Theo nhận định của ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, kiểm tra thực tế cho thấy, các trường tổ chức dạy học theo VNEN chất lượng không giảm, những băn khoăn về mô hình chủ yếu do các đơn vị chưa đủ những điều kiện cần thiết. Ngoài ra, do chưa làm tốt công tác tuyên truyền nên nhiều phụ huynh không hiểu rõ bản chất của việc thực hiện VNEN, từ đó có nhiều tâm tư, băn khoăn. Sắp tới, Sở GD-ĐT sẽ có văn bản chi tiết hướng dẫn các trường rà soát, đánh giá các điều kiện triển khai, đồng thời tiếp tục có những hỗ trợ cần thiết để các trường thực hiện VNEN hiệu quả, thực chất.

Hà Nội hiện có 114 trường tiểu học đã triển khai toàn phần VNEN, ngoài ra còn có hàng trăm trường tiểu học áp dụng từng phần của VNEN tùy theo khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và nhu cầu của phụ huynh học sinh. Với cấp THCS, Hà Nội có gần 10 trường tham gia thử nghiệm. Năm học 2017-2018, chưa có thêm trường học nào đăng ký triển khai mô hình này.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao vẫn còn băn khoăn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.