Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Nên hiểu cho đúng

Huy Nguyên - Quốc Bảo| 14/09/2017 04:43

(HNM) - Trong câu chuyện này, đặc biệt là với giới học sinh, sinh viên cũng vẫn đang có những cách hiểu khác nhau và nếu việc tuyên truyền, thực hiện không khéo sẽ khiến các bậc phụ huynh hiểu sai về một chủ trương đúng.

Trách nhiệm chung vì mục tiêu chung

Mới đây, Trường Tiểu học Hà Nội (quận Ba Đình) đã ra thông báo về việc thu tiền bảo hiểm năm học 2017-2018. Theo đó, số tiền bảo hiểm y tế (BHYT) là 492.000 đồng (thời hạn 1-1-2018 đến 31-12-2018) và bảo hiểm thân thể 100.000 đồng (thời hạn 1-10-2017 đến 30-9-2018). Không đồng tình với thông báo này, phụ huynh có tên Phạm Văn Phong đã “bút phê” ý kiến của mình như sau: "Nhà trường là nơi truyền chữ cho học sinh, không phải công ty kinh doanh bảo hiểm. Nếu có nhu cầu mua bảo hiểm thì tôi sẽ chủ động liên hệ với công ty bảo hiểm nào mà tôi tín nhiệm để mua trực tiếp chứ nhất định không thông qua khâu trung gian môi giới cò mồi. Yêu cầu trường không làm phiền cha mẹ học sinh bằng việc làm không đúng chức năng này".

Học sinh hưởng lợi nhiều từ y tế học đường mà một phần được trích từ Quỹ Bảo hiểm y tế.


Bà Võ Minh Thảo - Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Hà Nội xác nhận đã nhận được phản hồi của phụ huynh về thông báo thu bảo hiểm. Bà Thảo cũng cho biết, thu phí bảo hiểm là thực hiện nhiệm vụ mà UBND quận Ba Đình giao, không phải “cò mồi” cho công ty bảo hiểm như phụ huynh hiểu nhẩm. Bà Thảo cũng giải thích thêm, Luật BHYT quy định mọi người dân trong đó có nhóm đối tượng học sinh, sinh viên bắt buộc phải tham gia BHYT, còn bảo hiểm thân thể là tự nguyện. Bà Thảo cũng nhận thiếu sót đã không ghi rõ bảo hiểm thân thể (100.000 đồng) là bảo hiểm tự nguyện để phụ huynh lựa chọn mua hay không mua.

Tuy nhiên, “bút phê” trên đã gây nên nhiều sự tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều phụ huynh cho rằng, không chỉ riêng Trường Tiểu học Hà Nội mà các trường học nói chung cũng đang làm “không đúng phận sự”, “làm thay ngành Bảo hiểm”, “gây khó dễ cho phụ huynh”, “ép phụ huynh mua bảo hiểm”… Thậm chí, không ít người quy kết, trường học đang làm “cò mồi” cho bảo hiểm để thu phí, càng ép được nhiều học sinh mua BHYT thì càng thu được lợi.

Về điều này, trước đó, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam khẳng định: Nói ngành Giáo dục “làm hộ việc” của BHXH là không đúng. Việc vận động, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong Luật BHYT sửa đổi đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo hướng dẫn tổ chức thực hiện đối với đối tượng thuộc ngành quản lý; hướng dẫn chỉ đạo lập danh sách tham gia BHYT cho đối tượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Vì thế, các trường sẽ có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan BHXH để lập danh sách, thu phí BHYT.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Tuy nhiên, rất nhiều cha mẹ thấu hiểu lợi ích cho con khi tham gia BHYT. Chị Trần Thu Hằng (Ba Đình) cho biết, thẻ BHYT là cứu tinh cho gia đình chị. Con chị khi học lớp 3 đang chạy nhảy ở sân trường bỗng dưng ngất xỉu, đưa đi cấp cứu thì hóa ra cháu bị bệnh tim, phải mổ gấp, viện phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Rất may vì cháu có thẻ BHYT nên đã được chi trả 80%, gia đình chỉ lo thêm hơn 20 triệu đồng. “Hai vợ chồng đều là viên chức, nhà còn đi thuê, nếu lại vay mượn thêm cả trăm triệu đồng chắc còng lưng trả nợ. Tôi còn cháu út đang học lớp 1, sau sự việc này gia đình lập tức cho cháu tham gia BHYT” - chị Hằng nói.

Anh Đức Anh (Đống Đa) cũng nhận định: “Sao các ông bố đi uống bia vèo cái hết dăm trăm, một triệu đồng không thấy cân nhắc. Đằng này bỏ ra chưa đến 500 nghìn đồng mua BHYT cho con lại kỳ kèo thiệt hơn, lo bị lừa, lãng phí. Trẻ con chính là đối tượng dễ ốm đau, tai nạn nhất, cha mẹ phải phòng ngừa. Nếu con không phải dùng đến thẻ BHYT là may mắn lớn nhất của mỗi gia đình, nhưng không phải vì thế mà không tham gia, bởi rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào…”.

Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết thêm, ngoài việc được Quỹ BHYT chi trả đến 80% chi phí khám, chữa bệnh, nhóm học sinh, sinh viên đang hưởng thụ nhiều lợi ích từ việc khám, chữa bệnh bằng BHYT hơn hẳn các nhóm khác. Theo quy định, học sinh, sinh viên khi mua BHYT sẽ được nhà nước hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ giảm từ hơn 700.000 đồng xuống còn 492.000 đồng/em. BHXH Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ 30% lên 50% cho nhóm đối tượng học sinh, sinh viên. Nếu được như vậy, học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo trường lớp sẽ có lợi rất nhiều.

Cũng theo ông Liệu, Luật BHYT hiện nay chưa quy định chi cho y tế dự phòng, nhưng nhóm học sinh, sinh viên vẫn gián tiếp được hưởng các quyền lợi này thông qua khám, chữa bệnh ban đầu tại nhà trường. Mà hoạt động này đang được bảo đảm phần lớn bởi nguồn kinh phí trích lại từ Quỹ BHYT cho hoạt động y tế trường học.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quỹ BHYT đã tạo ra nguồn tài chính quan trọng và quyết định đối với việc khôi phục, củng cố và phát triển mạng lưới y tế trường học và đang góp phần tích cực trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp học sinh đủ sức khỏe để học tập tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Nên hiểu cho đúng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.