Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xếp hạng các trường đại học: Không thận trọng, hậu quả khó lường

Thống Nhất| 17/09/2017 06:33

(HNM) - Bảng xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam do nhóm 6 chuyên gia độc lập thực hiện là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua, với nhiều ý kiến trái chiều.

Hướng dẫn sinh viên thực hành tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Viết Thành


Tiêu chí có, nhưng chưa đủ

Bảng xếp hạng được thực hiện với 49 trường đại học trên cả nước theo ba tiêu chí: Nghiên cứu khoa học; giáo dục và đào tạo; cơ sở vật chất và quản trị. Các dữ liệu được nhóm chuyên gia thu thập và xử lý trong 3 năm trước khi hoàn thiện, công bố. Theo bảng xếp hạng, tốp 5 trường xếp hạng cao nhất gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Học viện Nông nghiệp, Đại học Đà Nẵng và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Danh sách này khiến nhiều người cho rằng không công bằng khi đánh đồng các trường quy mô lớn, là các trường đại học gồm nhiều đại học nhỏ như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh với các trường đại học đơn lẻ. Một số trường vốn được dư luận đánh giá có chất lượng, là niềm ao ước của nhiều học sinh THPT, lại chỉ xếp ở mức trung bình. Đơn cử như: Đại học Y Hà Nội xếp thứ 20, Đại học Ngoại thương xếp thứ 23, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội xếp thứ 30...

Theo Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT, việc xếp hạng đại học là vấn đề khó, bởi có những tiêu chí không mang tính định lượng. Riêng tiêu chí chất lượng đào tạo cũng đã khó có thể đo đếm bằng con số cụ thể. Bảng xếp hạng này tập trung vào 2 tiêu chí quan trọng là nghiên cứu và đào tạo, song vẫn chưa đủ, bối cảnh hiện nay cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề “đầu ra” của sinh viên, bởi đây là thước đo thực chất nhất về chất lượng đào tạo. Cùng chung nhận định, GS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, bảng tiêu chí có đề cập đến vấn đề việc làm, nhưng chưa có tiêu chí đánh giá chất lượng “đầu ra”, chưa có phản hồi của phía sử dụng lao động và chưa có số liệu cụ thể về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành. Ngay cả những trường được chỉ tên trong bảng xếp hạng cũng băn khoăn. PGS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - xếp thứ 48 của bảng xếp hạng - nhận định, trường đào tạo về văn hóa nên có đặc thù riêng.

Là đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng, song GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng suy nghĩ nhiều về tính thuyết phục của các tiêu chí, trong đó có ý kiến phản hồi của các nhà tuyển dụng. Mặc dù các trường đều công bố chất lượng “đầu ra”, song đơn vị sử dụng lao động mới là người đánh giá tiêu chí này một cách khách quan, đáng tin cậy; thiếu sự phản hồi này, kết quả đánh giá ít nhiều đã mang tính chủ quan.

Xếp hạng là cần thiết

Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều về bảng xếp hạng, song hầu hết ý kiến đều nhận định việc xếp hạng các trường đại học là cần thiết, vừa để các trường tự hoàn thiện, là căn cứ để người học, đơn vị sử dụng lao động, các nhà nghiên cứu quyết định lựa chọn nơi học, nơi đặt hàng đào tạo, nơi nghiên cứu... Tuy nhiên, căn cứ vào tiêu chí nào, chất lượng dữ liệu ra sao để xếp hạng lại là bài toán không dễ giải, bởi thực tế cho thấy, nếu xếp hạng cẩu thả sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Theo GS Nguyễn Quý Thanh, để tạo ra thương hiệu quốc gia thì bảng xếp hạng cần có các tiêu chí mang tính toàn cầu, nhằm khuyến khích các trường vươn đến tầm cao của thế giới. Hơn nữa, việc xếp hạng không chỉ phân bậc cao, thấp, mà cần xây dựng được một nhóm thông số chuẩn về mặt chất lượng để các trường "soi" mình đang ở đâu. Nhóm thông số chuẩn này cần khách quan, được quy định bởi yêu cầu của xã hội, trong đó cần quan tâm đến các chỉ số thể hiện mức độ đáp ứng của “sản phẩm” đào tạo với yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động. Từ đó, các trường sẽ phải nỗ lực trong đầu tư, đào tạo để có “sản phẩm” đạt chất lượng tốt, đáp ứng thị trường lao động.

Ông Lê Xuân Tùng, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) cho biết, nhà trường luôn nhận được sự tin tưởng của xã hội, được xếp vào nhóm những trường đại học tốp trên trong khối, ngành kinh tế, là lựa chọn của nhiều học sinh THPT xuất sắc. “Cá nhân tôi cho rằng, việc trường xếp thứ 30 trong bảng xếp hạng nêu trên chỉ phản ánh một khía cạnh, chứ không phản ánh được toàn diện kết quả của nhà trường” - ông Lê Xuân Tùng thẳng thắn.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, việc xếp hạng các trường đại học là cần thiết đối với hệ thống giáo dục đại học. Việc xếp hạng còn làm tăng tính minh bạch về điều kiện bảo đảm chất lượng và chất lượng thực tế của từng trường để xã hội cùng tham gia giám sát, tạo động lực cạnh tranh, thúc đẩy hệ thống giáo dục đại học phát triển. Tuy nhiên, việc xếp hạng các trường đại học phải thật thận trọng để có kết quả tin cậy, thuyết phục, nếu không sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường, có nguy cơ để lại hậu quả khó lường, ảnh hưởng đến quyết định của những chủ thể tham khảo, sử dụng kết quả xếp hạng.

Sẽ đưa việc xếp hạng vào luật

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 73/2015/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn phân tầng, xếp hạng các trường đại học. Một trong những tiêu chí được quy định tại Nghị định là kết quả kiểm định chất lượng, nhằm bảo đảm kết quả xếp hạng chính xác, khách quan và tin cậy. Mặc dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn về xếp hạng các trường đại học từ năm 2016, song công tác kiểm định của các trường vẫn đang tiếp tục, khiến việc xếp hạng chưa được triển khai. Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa việc xếp hạng các trường đại học vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xếp hạng các trường đại học: Không thận trọng, hậu quả khó lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.