Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Vất vả tìm chỗ học bán trú

Thanh Tàu| 02/10/2017 06:42

(HNM) - TP Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn trong việc tổ chức cho 100% học sinh tiểu học được học bán trú. Mặc dù năm học 2017-2018 ngành Giáo dục - Đào tạo thành phố đã xây dựng thêm trường lớp, nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu.

TP Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn trong việc tổ chức cho 100% học sinh tiểu học được học bán trú


Theo Quyết định 02/2003/QĐ-UB ngày 3-1-2003 của UBND TP Hồ Chí Minh về quy hoạch mạng lưới trường học thành phố thì đến năm 2020, 65% học sinh Trung học cơ sở (THCS) được học 2 buổi/ngày. Trong đó, hạn mức hoàn thành mục tiêu này đối với bậc tiểu học là năm 2015. Thế nhưng hiện nay, mức tăng dân số đã vượt quá khả năng kiểm soát đối với việc xây dựng trường học, đặc biệt ở các quận vùng ven. Hiện tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày bán trú của thành phố chỉ đạt khoảng 60%, trong đó có những quận nhiều năm liền coi con số 30% vẫn là mục tiêu phấn đấu như quận Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức...

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Gò Vấp cho biết, toàn quận chỉ có 62% trường tổ chức được bán trú. Tuy nhiên, khó khăn nhất là khi áp dụng chương trình phổ thông mới ở năm học sau, 100% học sinh học 2 buổi/ngày, đồng nghĩa với tổ chức bán trú, sẽ vô cùng nan giải vì trường lớp không theo kịp. Cũng theo ông Thủy, hiện quận mới có Trường THCS - THPT Nguyễn Tri Phương thực hiện chức năng mô hình bán trú vệ tinh để hỗ trợ, đưa đón giảng dạy học sinh của 2 trường tiểu học An Hội và Lương Thế Vinh.

Tương tự, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận 12 cho hay, ở quận có 3 trường mới đưa vào sử dụng nhưng tỷ lệ bán trú vẫn giậm chân tại chỗ. Số học sinh năm sau luôn tăng hơn năm trước, cơ quan chức năng phải ưu tiên bảo đảm đủ chỗ học, sau đó mới tính tiếp đến việc tổ chức 2 buổi/ngày...

Còn ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận 8 cho biết, mỗi năm quận tăng thêm khoảng hơn 3.000 học sinh. Để đạt con số 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày thì cần gấp 2 lần số trường hiện nay và như vậy thì khó có thể đạt theo đúng mục tiêu như lộ trình mà Quyết định 02/2003/QĐ-UB ban hành.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần lập Trung tâm Chăm sóc học sinh tiểu học và giao tư nhân đảm nhận theo hình thức xã hội hóa.

Theo ông Điệp, các Trung tâm Chăm sóc học sinh tiểu học này cần được đầu tư đa dạng, nhiều mức độ khác nhau (có sân thể thao, hồ bơi, phòng biểu diễn văn nghệ, thư viện...) và có xe đón đến trường, đón về trung tâm để ăn, nghỉ và đưa về tận nhà sau một ngày học tập... Và phải hoạt động theo quy chế của UBND thành phố ban hành, phải được Sở Giáo dục - Đào tạo thẩm định và cấp phép. Đặc biệt, giáo viên hoàn thành nghĩa vụ tại trường công lập có quyền ký hợp đồng làm cho trung tâm (đây là hình thức tạo điều kiện cho giáo viên tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống).

Cũng theo ông Điệp, để thực hiện giải pháp này, UBND thành phố nên thành lập một bộ phận chuyên môn để nghiên cứu và soạn thảo các cơ sở pháp lý, nội dung, hình thức, quy mô; lấy ý kiến trong xã hội, các nhà khoa học giáo dục (kể cả nước ngoài), các tập đoàn giáo dục đang hoạt động tại thành phố, phụ huynh và các thành phần muốn đầu tư vào hệ thống giáo dục.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Vất vả tìm chỗ học bán trú

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.