Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sinh viên chế tạo thiết bị học tập cho người khiếm thị

Mai Ngọc| 26/10/2017 06:48

(HNM) - Sau một lần tham gia tình nguyện tại một cơ sở giáo dục chuyên biệt, Nguyễn Duy Hùng (sinh viên năm 4, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) quyết định chế tạo một thiết bị giúp người khiếm thị học tập dễ dàng hơn.

“Những trẻ em khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn khi bắt đầu đọc và viết chữ nổi Braille. Nhiều em cảm thấy mặc cảm vì có giáo viên và người thân giúp đỡ mới có thể học chữ. Vì vậy, em muốn tạo ra một thiết bị để người khiếm thị chủ động tự học chữ nổi” – Duy Hùng cho biết.

Từ động lực đó, cậu sinh viên Bách Khoa này miệt mài suốt một năm để học chữ nổi và tìm cách chế tạo thiết bị học tập cho người khiếm thị. Thiết bị này giúp người khiếm thị nhớ lại những chữ đã quên nhờ hệ thống sẽ tự nhận dạng giọng nói. Khi người dùng nói từ cần nhắc vào micro, thiết bị tự động kích nối các ký tự nổi trên mặt thiết bị để người khiếm thị có thể sờ để ghi nhớ.

Khó khăn nhất trong quá trình chế tạo là việc gia công cơ khí cho hệ thống kích nổi điểm nổi để nhỏ gọn nhất. Sau khi hoàn thành, Duy Hùng mang sản phẩm đến cơ sở giáo dục chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) để nhờ các em khiếm thị góp ý thêm. Tính đến nay, sáng chế của Hùng đã là phiên bản thứ 5.

Sau 5 lần cải tiến, thiết bị học tập cho người khiếm thị của Hùng tích hợp đến 5 tính năng nổi bật như: Nhắc chữ và tập cảm nhận chữ nổi, tập viết chữ nổi, tính toán các phép tính, xem đồng hồ và giải trí lúc người khiếm thị học tập mệt mỏi cần thư giãn. Dù tích hợp đến 5 tính năng nhưng chiếc máy chỉ nhỏ gọn như một chiếc máy tính xách tay để người dùng dễ dàng mang đi nhiều nơi. Chi phí để chế tạo chiếc máy này cũng chỉ khoảng 1,5 triệu đồng.

Suốt một năm làm thiết bị này, Duy Hùng khá áp lực vì phải vừa thực hiện, vừa hoàn thành khối lượng bài vở lớn ở trường đại học. “Em không nghĩ nhiều đến lợi ích kinh tế khi chế tạo, động lực lớn nhất của em là muốn các em khiếm thị không mặc cảm vì phải phụ thuộc vào người khác trong việc học chữ. Thêm vào đó, em cũng muốn sản phẩm này là kỷ niệm đẹp cho quãng đời sinh viên của mình” – Duy Hùng chia sẻ.

Trong thời gian tới, cậu sinh viên Bách Khoa Đà Nẵng dự định sẽ cải tiến mẫu mã thiết bị nhỏ gọn hơn và giảm giá thành sản phẩm. Một công ty nước ngoài đã ngỏ ý mua lại ý tưởng của Hùng nhưng Hùng chưa đồng ý vì một trăn trở lớn: “Nếu họ mua lại cũng chỉ sản xuất để phục vụ cho học sinh nước họ, còn các trẻ em khiếm thị nghèo ở Việt Nam thì sao?”

ng trình “Thiết bị hỗ trợ học tập cho người khiếm thị” của Nguyễn Duy Hùng đang dự thi chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017”. Đây là một cuộc thi khuyến khích các tri thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp sáng kiến cho ngành giáo dục do Trung ương Đoàn phối hợp Bộ GD& ĐT và Tập đoàn Thiên Long thực hiện.

Sau hơn 5 tháng phát động, chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017” nhận được hơn 300 công trình dự thi đóng góp cho ngành giáo dục.

“Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017” sẽ dành hơn 600 triệu đồng cho những công trình có giá trị. Dựa trên hai tiêu chí tính mới và khả thi, tối đa 5 công trình xuất sắc nhất sẽ nhận giải thưởng trị giá 100 triệu đồng mỗi công trình. Các công trình này sẽ được quyết định bởi ban giám khảo uy tín trong ngành gồm:

- TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
- GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông
- TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
- PGS.TS Trần Quang Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
- PGS.TS. Phạm Đức Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục phổ thông,
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 -2021.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sinh viên chế tạo thiết bị học tập cho người khiếm thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.