Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khởi động trong khó khăn

Thống Nhất| 28/10/2017 07:20

(HNM) - Trước hàng loạt sự việc về bạo lực học đường, nguy cơ áp lực trong học tập, rối nhiễu tâm lý của học sinh... năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã yêu cầu các địa phương thành lập bộ phận tham vấn cho học sinh ở các trường tiểu học, THCS, THPT.

Phòng tham vấn học đường của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng.



Khoảng trống cần lấp

Một cuộc khảo sát của Bộ GD-ĐT cách đây một năm cho thấy, có tới hơn 93% số học sinh, sinh viên được hỏi cho biết đã gặp phải những vướng mắc, khó khăn cần được chia sẻ, hỗ trợ trong học tập và cuộc sống hằng ngày. Học sinh cấp THCS, THPT có nhu cầu chia sẻ, hỗ trợ nhiều hơn; phạm vi mong muốn được hỗ trợ cũng ngày càng rộng, không chỉ trong việc học tập, mà có xu hướng ở chuyện tình cảm, về sự phát triển tâm sinh lý... Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn nhu cầu chia sẻ của học sinh, sinh viên chưa được đáp ứng.

Tại Hà Nội, tham vấn học đường đã được các nhà trường triển khai từ nhiều năm nay, song mới mang tính tự phát, chủ yếu phụ thuộc vào mức độ quan tâm của lãnh đạo từng đơn vị. Những trải nghiệm của các thầy, cô giáo Trường THCS Ngô Sỹ Liên (quận Hoàn Kiếm) - một trong những trường học đầu tiên trên địa bàn thành phố thành lập bộ phận tham vấn cho học sinh cho thấy, nhu cầu của học sinh trong việc lắng nghe, chia sẻ, giải đáp, định hướng suy nghĩ... rất lớn. Cán bộ tư vấn của trường thường xuyên phải làm việc hết công suất, số lượt học sinh tìm đến phòng tham vấn ngày càng nhiều.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, khi các mối quan hệ xã hội ngày càng phức tạp, học sinh càng nảy sinh nhiều vấn đề cần được tư vấn. Nếu được tư vấn, hỗ trợ kịp thời, các em sẽ thay đổi nhận thức, có hành động chuẩn mực, tránh được những hành vi tiêu cực. “Sự việc nhóm học sinh nữ đánh bạn tại Trường THCS Trường An (huyện Chương Mỹ) vừa qua cho thấy sự cần thiết của công tác tham vấn trong việc giúp học sinh nhận diện được những tác động tiêu cực của mạng xã hội và có kỹ năng trong việc xử lý các tình huống. Hoặc việc giáo viên phê bình học sinh trước lớp, dọa phạt học sinh khiến trẻ xấu hổ, không muốn đến lớp tại Trường Tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa) cũng cho thấy công tác tham vấn còn cần với cả giáo viên, phụ huynh để tránh những hành động làm ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ”, ông Phạm Xuân Tiến nhận định.

Nhiều khó khăn vẫn phải làm

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2017-2018, các nhà trường phải thành lập bộ phận tham vấn học đường với các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất và nhân lực. Tuy nhiên, đại diện 29/30 quận, huyện có mặt tại hội nghị triển khai công tác thành lập bộ phận tham vấn học đường do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 27-10 cho biết, cả hai điều kiện này đều khó đáp ứng. Theo Phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai, do cơ sở vật chất thiếu thốn, hầu hết các trường tiểu học đều đang phải học luân phiên, nhiều trường THCS phải học 2 ca, nên khó có thể dành riêng phòng làm công tác tham vấn. Ngoài ra, về nhân lực cũng rất thiếu, hiện cấp tiểu học thiếu 172 giáo viên, cấp THCS thiếu 124 giáo viên, nên khó bố trí giáo viên kiêm nhiệm công tác tham vấn.

Tương tự, tại huyện Phú Xuyên cũng đang thiếu 130 giáo viên nên việc bố trí giáo viên kiêm nhiệm cho công tác tham vấn là một gánh nặng lớn với các nhà trường. Còn theo thông tin từ huyện Sóc Sơn, các trường trên địa bàn chỉ có thể bố trí một thành viên trong ban giám hiệu hoặc tổng phụ trách kiêm nhiệm công tác tham vấn, chứ không thể bố trí giáo viên kiêm nhiệm vì giáo viên các trường đều đang quá tải số tiết dạy.

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 12-7-2017 về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập nêu rõ các trường không có biên chế cho công tác tham vấn. Như vậy, các trường chỉ có thể bố trí giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện nhiệm vụ này. Cụ thể, giáo viên cấp tiểu học kiêm nhiệm được phép sử dụng từ 3 đến 6 tiết/tuần làm công tác tham vấn cho học sinh; với giáo viên cấp THCS và THPT là từ 4 đến 8 tiết/tuần, tùy theo quy mô trường và địa bàn.

Như vậy, dẫu biết còn nhiều khó khăn, nhưng yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực tế đang đòi hỏi ngành Giáo dục và mỗi nhà trường phải chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu với chính quyền để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, trong đó có việc tham vấn cho học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi động trong khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.