Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lại mối lo “tiến sĩ giấy”

Thống Nhất| 23/11/2017 08:06

(HNM)- Dự thảo Đề án đào tạo 9 nghìn tiến sĩ với kinh phí 12 nghìn tỷ đồng do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Trong bối cảnh chất lượng đào tạo tiến sĩ còn nhiều bất cập như hiện nay, những băn khoăn trên hoàn toàn có cơ sở, nếu không có giải pháp siết chặt quản lý, tình trạng “tiến sĩ giấy” là nguy cơ có thể xảy ra.

Nhu cầu đào tạo tiến sĩ

Đề án đào tạo 9 nghìn tiến sĩ là một trong những nội dung nằm trong dự thảo “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố. Trong khi dư âm về “lò ấp” 350 tiến sĩ/năm cùng nhiều sai phạm của một đơn vị được coi là đứng đầu trong khối đào tạo vừa được công bố tháng 8-2017 chưa kịp lắng xuống, thì thông tin đào tạo 9 nghìn tiến sĩ với kinh phí 12 nghìn tỷ đồng lại khiến dư luận không khỏi nghi ngại.

Một hội thảo về thực trạng đào tạo tiến sĩ tại Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Nhã



Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, đây là dự thảo đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020” ban hành theo Quyết định 911/QĐ-TTg ngày 17-6-2010 (gọi tắt là Đề án 911). Hiện nay, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta mới chỉ đạt 21%, thấp so với yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học. Mục tiêu của Đề án 911 phải đạt 35% số giảng viên có trình độ tiến sĩ; với 9 nghìn tiến sĩ như trong dự thảo đề án này thì cũng mới đạt 30%.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, 9 nghìn tiến sĩ này không phải là số đào tạo mới. Có thể do thông tin chưa rõ, khiến dư luận băn khoăn. Nhằm cải thiện chất lượng đào tạo tiến sĩ, giải tỏa những nghi ngại về chất lượng tiến sĩ, việc ban hành đề án lần này sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, kèm theo những cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các tiến sĩ làm việc, cống hiến, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học giai đoạn hội nhập.

Điều khiến dư luận băn khoăn là phần lớn tiến sĩ sẽ được đào tạo ở nước ngoài, với số lượng nghiên cứu sinh được tuyển chọn từ nay tới năm 2025 khoảng 600 đến 700 người/năm. Ước tính, sẽ có khoảng 5 nghìn tiến sĩ được đào tạo tại nước ngoài; 2 nghìn tiến sĩ được đào tạo tại Việt Nam... Điều đó đồng nghĩa với việc, số tiền chi trả cho công tác đào tạo tiến sĩ sẽ không nhỏ, trong khi chất lượng đào tạo lại rất phập phù.

Cần thận trọng

Hầu hết các ý kiến đều tỏ ra lo ngại trước chủ trương này, bởi việc đào tạo tiến sĩ thời gian qua còn quá nhiều tồn tại, không thực chất. Với quy mô đào tạo tới 9 nghìn tiến sĩ trong thời gian ngắn thì việc kiểm soát chất lượng sẽ ra sao, số tiền 12 nghìn tỷ đồng có sử dụng đúng mục đích không?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề xuất, nên xem xét kỹ việc này và nhận định Đề án 911 “đẻ” ra đa phần tiến sĩ giấy. Trong khi đó, để có được 9 nghìn tiến sĩ có chất lượng thì không thể vội vàng, càng không thể có được sau 8 năm. Nếu cứ chạy theo số lượng sẽ rất tốn kém. PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục (nay là Học viện Quản lý giáo dục) cũng lo lắng: Liệu chúng ta có khả năng đào tạo tiến sĩ thực hay lại là những “tiến sĩ giấy”? Cách đây vài chục năm, rất nhiều người thầy không có học vị cao nhưng đã đào tạo ra biết bao thế hệ làm rạng danh đất nước. Thêm nữa, kinh phí đào tạo tiến sĩ là không nhỏ, vì vậy Bộ GD-ĐT cần thận trọng.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, những băn khoăn về chất lượng đào tạo tiến sĩ là có cơ sở, vì vậy, cần rà soát các cơ sở đào tạo tiến sĩ; cương quyết chấn chỉnh những cơ sở không bảo đảm chất lượng, chỉ những nơi thực hiện tốt nghiên cứu khoa học mới được đào tạo tiến sĩ.

Không phải ngẫu nhiên công tác nghiên cứu khoa học được đề cập với ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng đào tạo tiến sĩ. Theo quy chế mới về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ GD-ĐT ban hành tháng 4-2017, việc phải công bố nội dung và kết quả nghiên cứu của luận án nghiên cứu khoa học có tối thiểu 2 bài báo trên tạp chí khoa học nước ngoài là điều kiện bắt buộc. Đây là điểm mới nhằm siết chặt chất lượng đào tạo vốn đã khiến dư luận nghi ngờ thời gian qua. Trong khi đó, tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 diễn ra tháng 8-2017, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) xác nhận: Chất lượng đội ngũ giảng viên đại học đang là dấu hỏi lớn, bởi nhiều người không tham gia nghiên cứu khoa học, chưa có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài...

Để cải thiện chất lượng đào tạo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngoài việc triển khai nội dung của quy chế mới về đào tạo tiến sĩ, Bộ sẽ tiếp tục siết chặt thông qua tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo. Ngoài ra, sẽ nghiên cứu để nâng mức kinh phí đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam, làm nền tảng cho việc đào tạo có chất lượng, không nhất thiết phải đào tạo ở nước ngoài. Mức kinh phí sẽ được tính toán phù hợp với từng địa bàn để vừa đáp ứng yêu cầu đào tạo, tạo điều kiện cho người học, góp phần nâng cao chất lượng “đầu ra”.

Trước nhiều băn khoăn về con số 12 nghìn tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, kinh phí đào tạo tiến sĩ không đưa về địa phương hoặc cơ sở đào tạo nào mà là học bổng, dành cho chính người học. Số tiền này sẽ được chi cho những người trực tiếp đáp ứng được các tiêu chuẩn để được nhận học bổng đào tạo tiến sĩ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lại mối lo “tiến sĩ giấy”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.