Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ cháy, nổ tại trường học: Chớ nên coi thường!

Tiến Thành - Minh Đức| 25/11/2017 07:50

(HNM) - Với số lượng học sinh lớn, lại chưa có khả năng tự vệ trước sự cố cháy, nổ nên chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả khôn lường...


“Điểm hỏa” tại trường học

Tháng 10-2017, một học sinh Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) đem cồn vào lớp đốt khiến bạn học cùng lớp bị thương tích. Trước đó, vào tháng 2-2017, một học sinh nữ Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) bị bỏng nặng vì bạn học gây nổ ở phòng thực hành hóa tại trường. Đây là những hồi chuông cảnh báo nguy cơ cháy, nổ tại trường học xảy đến bất cứ lúc nào nếu không có các biện pháp phòng ngừa cùng việc trang bị phương tiện, kiến thức, kỹ năng cho thầy và trò.

Bảo đảm an toàn giờ thực hành môn hóa học là trách nhiệm của các trường.


Với tỷ lệ hơn 50% số trường học của TP Hà Nội có bếp ăn để tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, đây cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cháy, nổ. Ngoài ra, nhiều trường học được xây dựng đã lâu, đường điện bị hư hỏng, chắp nối, trong khi trường lại được trang bị nhiều thiết bị như phòng máy tính, phòng thực hành, phòng thí nghiệm, lắp máy điều hòa... nên nguy cơ sử dụng điện quá tải, gây cháy, nổ hoàn toàn có thể xảy ra. Các trường học thường không có bể nước phục vụ chữa cháy, phương tiện phòng cháy chữa cháy không được quan tâm, bảo dưỡng thường xuyên, không có nhiều người biết sử dụng trang thiết bị chữa cháy. Không ít trường học, nhất là các trường ở nội thành, thường nằm xen kẽ trong khu vực dân cư, đường vào trường nhỏ, khó khăn cho việc tiếp cận hoặc thoát hiểm nếu xảy ra cháy nổ.

Theo Trung tá Lương Khắc Vọng, giảng viên Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy (Bộ Công an), trang bị, quy định phòng cháy, chữa cháy tại trường học, cơ sở giáo dục còn nhiều bất cập. Các trường học đều được trang bị bình cứu hỏa, tuy nhiên, thường để tập trung một chỗ, không đáp ứng được yêu cầu về diện tích trang bị. Ở những nơi có nguy cơ cháy nổ cao như nhà xe, phòng thí nghiệm, việc trang cấp bảng quy định, hướng dẫn vẫn chung chung, không theo đặc điểm của từng khu vực. Việc tập huấn, huấn luyện cho giáo viên và học sinh theo Luật Phòng cháy và chữa cháy; công tác lập hồ sơ quản lý, diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy cũng chưa được các nhà trường chú trọng.

Theo Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội), trên địa bàn thành phố có gần 3.000 cơ sở giáo dục, trường học. Trường công lập được xây dựng cơ bản đáp ứng được yêu cầu, quy định về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, tại các cơ sở giáo dục mầm non tư nhân, cơ sở vật chất thường là thuê mượn lại nhà dân, thậm chí ở một số nơi còn mở trường ở tầng 4, tầng 5 tòa nhà chung cư. Những cơ sở này đều không phù hợp với các điều kiện quy định, không đáp ứng được yêu cầu trang bị phương tiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Đáng lo hơn là ở các trường mầm non học sinh còn quá nhỏ, không có khả năng tự bảo vệ, trong khi đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đa số là nữ.

Phát huy hiệu quả công tác phối hợp

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, từ năm 2014, Sở đã ký quy chế phối hợp về việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các nhà trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn với Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố. Qua 3 năm triển khai quy chế phối hợp, việc phòng ngừa cháy nổ tại trường học cơ bản được kiểm soát, không để xảy ra thiệt hại về người. Một số trường học đã ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy nên đã lồng ghép vào giờ học chính khóa, sinh hoạt dưới cờ, tập huấn, ngoại khóa...

Các mô hình truyền thông cho các bé biết cách thoát hiểm khi xảy ra cháy của Trường Mầm non Sơn Ca (quận Long Biên); diễn tập phương án chữa cháy và thoát nạn của Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy); học sinh tập làm lính cứu hỏa của Trường Tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa); thi tìm hiểu về các phương tiện phòng, chống cháy nổ của Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy),... đang được nhân rộng tại nhiều trường học trên địa bàn.

Cô giáo Trịnh Thị Chung Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết, qua các buổi diễn tập, được tận mắt chứng kiến đám cháy, học sinh đã cảm nhận được mức độ nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân và những người xung quanh. Vì vậy, hầu hết học sinh đều có ý thức hơn trong việc học tập các kỹ năng thoát hiểm, có thêm kinh nghiệm xử lý tình huống khi xảy ra cháy nổ.

Thiếu tá Tô Hồng Nho, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy cho biết, thực hiện quy chế phối hợp, trong thời gian tới, hai ngành tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho giáo viên các trường học trên địa bàn thành phố. Sau khi được đào tạo, huấn luyện, đội ngũ giáo viên và nhà trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở trong một năm. Sau đó, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy sẽ phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy tại các nhà trường với mục tiêu hạn chế tối đa nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ cháy, nổ tại trường học: Chớ nên coi thường!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.