Theo dõi Báo Hànộimới trên

Băn khoăn bỏ cộng điểm thi nghề

Thống Nhất| 11/01/2018 07:03

(HNM) - Hơn 100 nghìn học sinh lớp 9 Hà Nội nói riêng và nhiều học sinh các tỉnh, thành phố nói chung đang băn khoăn với dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bỏ chế độ cộng điểm thi nghề trong kỳ thi tuyển sinh THPT tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT...


Nhiều ý kiến trái chiều

Với việc bỏ nội dung “điểm khuyến khích” tại Điều 7 của Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT có khả năng không được cộng điểm thi nghề phổ thông.

Dự kiến bỏ cộng điểm thi nghề trong tuyển sinh vào lớp 10 đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Ảnh: Thái Hiền


Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc đưa ra đề xuất bỏ chế độ cộng điểm thi nghề nhằm điều chỉnh mục tiêu thực sự của công tác giáo dục hướng nghiệp tại các trường phổ thông. Đây cũng là giải pháp để chấn chỉnh việc tổ chức các cuộc thi tại địa phương, hạn chế bệnh thành tích.

Tuy nhiên, chủ trương này đã khiến phụ huynh học sinh băn khoăn. “Chủ trương này nếu áp dụng ngay trong kỳ tuyển sinh THPT tới đây thì quá đột ngột. Học sinh lớp 9 đã phải vất vả học nghề suốt từ học kỳ II năm học lớp 8 tới nay; thầy, cô giáo cũng dành nhiều thời gian để tổ chức cho học sinh tập dượt cả về lý thuyết, thực hành trong vài tuần qua để chuẩn bị cho kỳ thi nghề phổ thông diễn ra vào ngày 18-1 tới. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cân nhắc kỹ về lộ trình áp dụng, tránh gây sốc và lãng phí về thời gian, công sức và kinh phí của học sinh, phụ huynh, nhà trường” - chị Nguyễn Thu Anh, phụ huynh học sinh lớp 9 Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) bức xúc.

Còn anh Lê Anh Nam, phụ huynh học sinh lớp 8 Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình) cho biết, nếu không được cộng điểm vào lớp 10 như hiện nay, gia đình không ép con phải đăng ký học nghề mà sẽ dành thời gian để con được trải nghiệm thực tế và tự biết mình mong muốn làm gì. Bởi lẽ, việc giáo dục nghề nghiệp ở trường hiện nay còn mang nặng tính hình thức, không đáp ứng mục tiêu định hướng chọn nghề cho học sinh.

Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên các trường học trên địa bàn Hà Nội khi được hỏi đều cho rằng, họ hiểu nguyên nhân dẫn đến phản ứng từ phía phụ huynh, nhưng tỏ ý không đánh giá cao nội dung giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Theo ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa), việc giáo dục nghề nghiệp là vô cùng cần thiết đối với học sinh phổ thông, các nhà trường cũng đã có nhiều cố gắng để tổ chức giảng dạy cho học sinh, tuy nhiên, hiện có nhiều nội dung học nghề đã lạc hậu, không còn phù hợp.

Đồng tình với ý kiến nói trên, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho rằng, việc bỏ chế độ cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tuyển sinh THPT đối với học sinh có chứng chỉ học nghề là phù hợp bởi hiện nay, việc học nghề của học sinh phổ thông chưa gắn với thực tiễn, học sinh học nghề phần lớn để lấy điểm cộng thêm khi thi vào lớp 10.

Sẽ bảo đảm quyền lợi cho học sinh

Dù ủng hộ chủ trương bỏ chế độ cộng điểm khuyến khích thi nghề, song bà Nguyễn Thị Nhiếp đề xuất: “Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cân nhắc kỹ về lộ trình để triển khai phù hợp, tránh ảnh hưởng tới tâm lý học sinh. Học sinh lớp 9 tại Hà Nội đang chịu một áp lực khác, đó là việc cạnh tranh vào lớp 10 năm học tới bởi số lượng học sinh dự thi tăng hơn 20 nghìn em. Tôi cho rằng, để chấn chỉnh việc tổ chức các cuộc thi tại địa phương, trả lại ý nghĩa của việc giáo dục hướng nghiệp cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía. Ngành Giáo dục luôn đặt mục tiêu tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, vì vậy, để chủ trương này nhận được sự đồng thuận, cần công bố cho phụ huynh, học sinh biết ít nhất trước một năm học, nếu áp dụng ngay trong mùa tuyển sinh năm học 2018-2019 thì lứa học sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi này sẽ rất thiệt thòi”.

Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) cũng đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng lộ trình thích hợp để triển khai, nếu áp dụng ngay quy định này là chưa phù hợp.

Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có quy định chính thức về việc này, Hà Nội vẫn áp dụng chế độ cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT cho học sinh có chứng chỉ thi nghề theo quy định hiện hành. Việc cộng điểm khuyến khích cho học sinh có chứng chỉ thi nghề được áp dụng từ năm học 2008-2009 theo Văn bản số 10945/BGD-GDTrH về việc “Hướng dẫn thi và cấp giấy chứng nhận nghề phổ thông” do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 27-11-2008 và vẫn đang có hiệu lực. Mức điểm cộng cao nhất cho học sinh có chứng chỉ nghề trong kỳ thi tuyển sinh THPT tại Hà Nội là 1,5 điểm.

Trước những thông tin nói trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT đang trong giai đoạn xin ý kiến đóng góp trước khi phê duyệt. Sau ngày 18-2-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý và có quyết định chính thức về cách thức, lộ trình triển khai nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Băn khoăn bỏ cộng điểm thi nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.