Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm cách giải quyết tình trạng trẻ mầm non khu công nghiệp thiếu chỗ học

Thống Nhất| 11/01/2018 19:41

(HNMO) - Ngày 11-1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã tiếp đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo về khảo sát và làm việc về vấn đề xây dựng trường, lớp mầm non tại các khu công nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý  tiếp đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo về khảo sát và làm việc về vấn đề xây dựng trường, lớp mầm non tại các khu công nghiệp.


Theo báo cáo của UBND thành phố, Hà Nội hiện có 1.084 trường mầm non, thu hút gần 580 nghìn trẻ. Hằng năm, số trẻ mầm non trên địa bàn thành phố đến trường tăng khoảng 30 nghìn trẻ, tập trung ở các khu công nghiệp. Dân số tại các địa bàn có khu công nghiệp luôn biến động do công nhân làm việc chủ yếu theo hợp đồng ngắn hạn, công tác dự báo số trẻ đến trường/lớp mầm non khó chính xác. Tổng số nhóm lớp tư thục đang hoạt động là gần 2.400, tỷ lệ đã được cấp phép hoạt động đạt 97,7%.

Trên địa bàn Hà Nội có 17 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, tập trung tại các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Thạch Thất, Thường Tín... với 146 nghìn công nhân, tỷ lệ lao động nữ chiếm 70%, phần lớn ở độ tuổi từ 18 đến 25... Tuy nhiên, hiện nay, mỗi xã chỉ có từ 1 đến 2 trường mầm non công lập, các trường mới chỉ tiếp nhận được trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên trong khi công nhân lao động được nghỉ thai sản theo quy định là 6 tháng; nữ công nhân làm ca chiếm tỷ lệ khá lớn, nên việc gửi trẻ gặp nhiều khó khăn.

Ý kiến của đại diện lãnh đạo các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn... tại buổi làm việc đã làm rõ thêm thực trạng thiếu trường/lớp mầm non tại các khu công nghiệp; dự báo nhu cầu gửi trẻ mầm non của người lao động trên địa bàn, đồng thời đề xuất các giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu trường/lớp mầm non như ưu tiên dành quỹ đất, hỗ trợ kinh phí xây dựng trường/lớp, ban hành chính sách hỗ trợ thu nhập cho giáo viên...

Tại buổi làm việc, các thành viên đều có chung nhận định: Nguyên nhân cơ bản của tình trạng thiếu trường/lớp mầm non tại các khu công nghiệp xuất phát từ trách nhiệm của chủ đầu tư. Các doanh nghiệp, chủ đầu tư chưa nghiêm túc thực hiện Điều 116 của Luật Lao động trong việc thực hiện trách nhiệm giúp đỡ tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi mẫu giáo.

Để giải quyết bài toán thiếu trường/lớp mầm non tại các khu công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị Hà Nội rà soát, phân tích và có dự báo tổng thể về quy mô trẻ mầm non để có kế hoạch về quỹ đất, kinh phí; ban hành chính sách địa phương để thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục, quan tâm đến đời sống giáo viên, xây dựng chế độ làm việc linh hoạt để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ theo ca của người lao động.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là cần có chính sách bình đẳng cho mọi trẻ mầm non, dù theo học ở loại hình nào. Hà Nội đề xuất Quốc hội xem xét việc cấp ngân sách nhà nước theo tỷ lệ nhất định đối với trẻ em học tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập để bảo đảm sự công bằng đối với mọi trẻ; đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ điều chỉnh quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; xếp lương theo trình độ đào tạo để giáo viên mầm non yên tâm công tác.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, buổi sáng cùng ngày, các thành viên đã khảo sát thực tế tại một số trường mầm non trên địa bàn huyện Đông Anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm cách giải quyết tình trạng trẻ mầm non khu công nghiệp thiếu chỗ học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.