Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm kiến thức, tăng thực hành

Thống Nhất| 20/01/2018 07:06

(HNM) - Hầu hết các môn học được xây dựng theo định hướng giảm kiến thức, tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm; không yêu cầu học sinh học thuộc lòng mà đòi hỏi kỹ năng vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn.


Giữ nguyên phương thức thi, tuyển sinh đến năm 2020

Chủ trì cuộc họp báo, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khẳng định: Dự thảo các chương trình môn học trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới được biên soạn với mục đích kết hợp dạy chữ, dạy người và giáo dục nghề nghiệp, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương. Tùy theo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cần đạt được ở từng cấp học, Ban Phát triển các chương trình môn học đã xây dựng dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục, trong đó có một số môn học mới, mang tính tích hợp như lịch sử và địa lý; khoa học tự nhiên; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; giáo dục kinh tế và pháp luật...

Một tiết học của học sinh Trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Thái Hiền


Điểm mới đáng chú ý của dự thảo so với chương trình hiện hành là trải nghiệm sáng tạo sẽ là môn học đối với mọi học sinh - từ lớp 1 đến lớp 12. Theo PGS.TS Vũ Thị Kim Thoa (phụ trách dự thảo chương trình môn trải nghiệm sáng tạo), môn học này nằm trong chương trình giáo dục bắt buộc ở cả ba cấp học và được tổ chức cả ở trong và ngoài nhà trường. Từ cấp THCS đến cấp THPT, môn học có tích hợp nội dung hướng nghiệp nhằm cung cấp cho học sinh kiến thức, kỹ năng cơ bản về định hướng chọn nghề. Để khắc phục sự hạn chế trong giáo dục hướng nghiệp hiện nay, chương trình nêu những yêu cầu cụ thể của từng ngành, nghề, giúp học sinh nhận thức được mức độ đáp ứng của bản thân đối với nghề mà mình theo đuổi, từ đó có sự lựa chọn phù hợp.

Điểm chung của các môn học tại dự thảo là tăng cường yêu cầu thực hành, thí nghiệm, trải nghiệm thực tế mang lại cơ hội cho học sinh tiếp nhận kiến thức, hình thành kỹ năng phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, chương trình các môn học có chung đặc điểm là được xây dựng theo hướng mở, trao quyền chủ động, sáng tạo cho giáo viên.

Trước câu hỏi về việc phương thức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học có thay đổi hay không, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới khẳng định: Phương thức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học sẽ được giữ ổn định cho tới năm 2020. Sau thời điểm này, Bộ GD-ĐT sẽ có đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Như vậy, việc đổi mới phương thức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học chỉ được tính đến từ sau năm 2020 - thời điểm dự kiến bắt đầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Mối lo quá tải

Với câu hỏi về việc bổ sung nhiều môn học mới và có sự điều chỉnh về nội dung, Chương trình Giáo dục phổ thông mới có khiến học sinh quá tải hay không, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định: Học sinh quá tải do nhiều nguyên nhân, liên quan tới chương trình, sách giáo khoa và cả cách dạy. Về định hướng, Chương trình Giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo hướng giảm tải. Để loại bỏ nguyên nhân gây quá tải từ khâu viết sách, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các tác giả bám sát yêu cầu cần đạt được về kiến thức, kỹ năng trong quá trình viết sách giáo khoa, đồng thời tổ chức tập huấn cho những người thẩm định sách giáo khoa về nội dung này. Với khâu dạy học, sắp tới, tất cả giáo viên tham gia giảng dạy Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ được tập huấn về phương pháp triển khai để bảo đảm yêu cầu đề ra.

Chủ trương của Bộ GD-ĐT về việc xây dựng một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, đồng thời giao quyền tự chủ cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp cũng nhằm đem đến cho học sinh sự thuận lợi, giảm gánh nặng học tập. Thực tế, nếu bộ sách nào vượt quá yêu cầu, khiến học sinh bị căng thẳng, quá tải thì chắc chắn sẽ không được lựa chọn. Điều này buộc các tác giả viết sách giáo khoa phải bám sát yêu cầu, quy định.

Thực hiện chủ trương giảm tải cho học sinh, các chương trình môn học sắp tới dự kiến sẽ giảm kiến thức lý thuyết và bài học có yêu cầu phức tạp. PGS.TS Đỗ Tiến Đạt (phụ trách dự thảo chương trình môn toán) cho biết: Chương trình môn toán ở các cấp học sẽ không quá chú trọng đến các bài tập phức tạp, các câu hỏi lắt léo, kiểu đánh đố học sinh; lược bỏ kiến thức khó và không thiết thực, thay bằng yêu cầu vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề của thực tế.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Tinh thần giảm tải được triển khai xuyên suốt ở các môn học trong dự thảo nhưng không phải giảm tải một cách cơ học, mà là tổ chức lại nội dung chương trình phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh ở từng cấp học. Học sinh sẽ hoạt động nhiều và thường xuyên hơn thông qua môn học bắt buộc là hoạt động trải nghiệm. Mặt khác, việc tăng thời lượng và mức độ yêu cầu thực hành ở hầu hết các môn học cũng là cách thức giảm tải, giúp học sinh tiếp nhận kiến thức và hình thành kỹ năng một cách bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm kiến thức, tăng thực hành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.