Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên phẩm chất đạo đức kém

Hương Thủy| 06/06/2018 09:54

(HNMO) - “Bạo hành trẻ mầm non là không thể chấp nhận được. Tôi rất phản đối những hành động như vậy”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh khi được chất vấn vào sáng 6-6.


Bạo hành trẻ mầm non: Không thể chấp nhận

Trả lời chất vấn của đại biểu K’ Nhiễu (Lâm Đồng) về suy nghĩ của Bộ trưởng và giải pháp trước những hiện tượng và hình ảnh xấu ở mầm non, gây bức xúc trong xã hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, bạo hành trẻ mầm non là một trong những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.

Một hình ảnh bạo hành trẻ mầm non thời gian qua (ảnh: Internet)


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện cả nước có 15.000 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 373.000 giáo viên mầm non. Cơ bản, các thầy cô tâm huyết, yêu nghề mến trẻ nhưng cũng xuất hiện một số giáo viên bạo hành trẻ, xảy ra phổ biến ở nhóm trẻ trường tư thục.

“Việc này là không thể chấp nhận được, không đúng với thuần phong mỹ tục. Bản thân tôi rất phản đối những hành động như vậy”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết đã có ý kiến, chỉ đạo, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên không đủ năng lực, kém phẩm chất đạo đức, các cơ sở để xảy ra tình trạng này phải đình chỉ, đóng cửa. Các địa phương cũng đã vào cuộc nhanh để giải quyết tình trạng trên.

Tới đây, để giải quyết căn cơ vấn đề này cần có nhiều giải pháp trong và ngoài ngành, căn cơ là đội ngũ giáo viên. Giáo viên phải được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và có chế độ đãi ngộ hợp lý. Bởi hiện nay chế độ với giáo viên mầm non tốt nghiệp trung cấp thấp, mức lương khởi điểm chỉ 2,4 triệu đồng một tháng. Đây cũng là lý do gây áp lực với giáo viên. Bộ GD-ĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ liên quan, một mặt tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non chuyên nghiệp, mặt khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn.

Cũng liên quan đến ngành học mầm non nhưng ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) chất vấn, cơ sở mầm non tư thục nhận trông trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, cơ sở mầm non công lập chỉ nhận trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên, trong khi nhu cầu gửi trẻ dưới 24 tháng tuổi cao, vậy giải pháp của Bộ về vấn đề này là gì?

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các cơ sở mầm non muốn nhận trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên vì giai đoạn này trẻ dễ chăm sóc, ít mạo hiểm, nếu trẻ mới 3 tháng tuổi thì nhỏ, khó chăm sóc.

“Chúng tôi rất quan tâm đến đối tượng này, đặc biệt là ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Phụ nữ được nhận chế độ thai sản 6 tháng nhưng nhiều công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ nghỉ 3 tháng. Vì vậy, chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này. Chúng tôi tham mưu cho Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho nhóm nhà trẻ tư thục”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ cũng đã chỉnh sửa điều lệ về trường mầm non mới ban hành vào tuần trước để làm sao các nhóm nhà trẻ độc lập đảm bảo đủ điều kiện, công tác chăm lo cho đối tượng từ 3 tháng tuổi được quan tâm để hạn chế những việc đáng tiếc xảy ra vừa qua.



Kiên quyết loại "con sâu làm rầu nồi canh” ra khỏi ngành


Với chất vấn của đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) về việc giáo viên xuống cấp về đạo đức, như giáo viên “câm”, bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng, có phải do giáo viên chịu nhiều áp lực, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, bên cạnh nhiều thầy cô yêu nghề, quý học sinh nhưng cũng xuất hiện một số giáo viên có hành vi thiếu đạo đức, không đúng thuần phong mỹ tục, tôn sư trọng đạo.

“Chúng tôi thực sự thấy đây là thiếu sót lớn”, Bộ trưởng nói.

Theo người đứng đầu ngành Giáo dục, nguyên nhân có nhiều, từ xã hội, gia đình đến cá nhân, và trong đó có trách nhiệm từ ngành. Khâu đào tạo, bồi dưỡng chưa thường xuyên dẫn đến thầy cô chưa đủ năng lực, bộc phát.

Đây là những cảnh tỉnh lớn với ngành, hiệu trưởng các trường... Với các vụ việc đó, trách nhiệm của hiệu trưởng các trường là rất cao. Có giáo viên có hành động xưa nay chưa từng có, đó một phần là do áp lực, bởi gần đây, đội ngũ giáo viên chịu áp lực lớn về vật chất và tinh thần.

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GD-ĐT là kiên quyết loại khỏi ngành những "con sâu làm rầu nồi canh”.

Giải pháp của Bộ trong vấn đề này là chương trình đào tạo về giáo viên chú trọng đạo đức, tăng chế độ đãi ngộ để giáo viên yên tâm công tác.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc xuống cấp đạo đức ở giáo viên thời gian qua chỉ là trường hợp cá biệt, không phổ biến. Điều đại biểu muốn là ngành Giáo dục, các địa phương và hệ thống chính trị cùng vào cuộc, chứ không chỉ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Đại biểu cũng muốn biết, để xảy ra những việc như vậy thì hiệu trưởng, chính quyền địa phương có biết hay không, mà chỉ khi phương tiện truyền thông lên tiếng mới xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên phẩm chất đạo đức kém

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.