Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công trình phụ, nhiệm vụ chính!

Thống Nhất| 26/07/2018 06:16

(HNM) - Năm học 2018-2019 đang đến gần, cũng là lúc vấn đề nhà vệ sinh trường học được các bậc phụ huynh và dư luận đặc biệt quan tâm.

Trường THCS Thạch Thất (huyện Thạch Thất) được đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ.



Với 2.700 trường học, TP Hà Nội đã dành sự quan tâm thiết thực tới hạng mục thường được cho là phụ trong nhà trường - công trình vệ sinh, với yêu cầu các nhà trường phải coi đây là nhiệm vụ chính. Tính đến hết năm học 2017-2018, toàn thành phố có 1.669 trường có công trình vệ sinh bảo đảm theo tiêu chuẩn tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT về công tác y tế trường học. Tuy nhiên, tỷ lệ trường học có công trình vệ sinh đang sử dụng tốt mới đạt 22%, trong đó, tỷ lệ này ở cấp THPT là thấp nhất - đạt 9%.

Theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam, hầu hết các công trình vệ sinh ở các trường học hiện nay đều thiếu và chật chội, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh tại trường. Đơn cử, theo quy định, khu vệ sinh của trường tiểu học phải có diện tích tối thiểu 0,06m2/học sinh, khu vệ sinh nam phải có 1 chậu rửa tay, 1 bệ xí, 1 tiểu nam cho từ 20 đến 30 học sinh; khu vệ sinh nữ phải có 1 chậu xí cho 20 học sinh nữ... Thế nhưng, không phải đơn vị nào cũng đáp ứng tiêu chuẩn này. Trong số đó phải kể đến Trường Tiểu học Lại Thượng (huyện Thạch Thất) có 2 điểm trường với hơn 800 học sinh, nhưng chỉ có 1 điểm có khu vệ sinh vẫn còn tuềnh toàng, điểm còn lại chỉ có khu vệ sinh dựng tạm. Tương tự, Trường Tiểu học Phú Kim trên cùng địa bàn, với cùng quy mô hơn 800 học sinh, có 3 điểm trường với 3 khu vệ sinh, song đều chật chội, thiếu thốn. Hiệu trưởng Phạm Toàn Thắng cho biết, do địa bàn chưa có hệ thống cung cấp nước sạch, giếng đã khoan nhiều lần nhưng không có nước, nhà trường phải mua nước để sử dụng, trong khi kinh phí hạn hẹp nên rất khó để giữ nhà vệ sinh được sạch sẽ như mong muốn.

Mô hình vệ sinh công nghiệp tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân).



Để khắc phục tình trạng trên, nhiều đơn vị đã chủ động có phương án riêng. Năm học 2017-2018, cùng với việc tăng cường đầu tư, mô hình vệ sinh công nghiệp đã được áp dụng thí điểm tại một số trường học trên địa bàn quận Thanh Xuân. Trong đó, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi có quy mô gần 2.500 học sinh được đầu tư xây dựng 28 nhà vệ sinh với các trang thiết bị cần thiết. Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân cho biết, 22 trường tiểu học và THCS của quận vừa được đầu tư xây dựng khu vệ sinh với mức kinh phí 2,5 tỷ đồng/trường. Để giữ gìn và duy trì hiệu quả của các công trình này, năm học 2018-2019, 100% số trường trên địa bàn sẽ chuyển sang mô hình vệ sinh công nghiệp.

Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có khả năng tài chính để cải thiện được tình trạng nan giải ấy. Việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục, trong đó có hạng mục nhà vệ sinh trường học là vấn đề đã được lãnh đạo thành phố và các sở, ngành quan tâm. Đáng lưu ý, mới đây, sau hội nghị “Hà Nội năm 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, một số doanh nghiệp đã có chủ trương tài trợ cho phần việc này. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố về cơ chế hỗ trợ đặc thù cho 5 huyện khó khăn, gồm: Phú Xuyên, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa và Thanh Oai.

“Chiến dịch” xóa nhà vệ sinh bẩn tại các trường học tại Hà Nội đã được khởi động. Theo kết quả rà soát, tổng kinh phí cần huy động cho phần việc này của các nhà trường trên địa bàn các huyện là 294 tỷ đồng. Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất UBND thành phố hỗ trợ 50% kinh phí cho các huyện để xây dựng nhà vệ sinh trường học đạt chuẩn, phần còn lại được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa. Riêng tại các quận, do điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thuận lợi hơn nên các đơn vị được trao quyền tự chủ trong đầu tư xây dựng hạng mục này với tỷ lệ hỗ trợ 50% từ ngân sách của quận, phần còn lại huy động xã hội hóa.

Lộ trình đầu tư, khắc phục tình trạng nhà vệ sinh mất vệ sinh tại các trường học đã được xác định. Để xây dựng môi trường học đường xanh, sạch, thân thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh Thủ đô, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công trình phụ, nhiệm vụ chính!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.