Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Chung tay gánh trách nhiệm

Thống Nhất| 27/07/2018 07:51

(HNM) - Thiếu chỗ học cho trẻ mầm non, nhất là tại các địa bàn có khu công nghiệp ở Hà Nội đang là vấn đề “nóng”, nhất là vào dịp đầu năm học mới.

Mỏi mắt chờ trường mới

Năm nào cũng vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đều có văn bản đề nghị phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã tham mưu với chính quyền địa phương về việc xây dựng thêm trường, phòng học mới, nhất là tại các khu công nghiệp. Song, đây là phần việc không dễ giải quyết.

Tình trạng quá tải vẫn phổ biến ở các trường mầm non nơi có khu công nghiệp.


Xã Kim Chung (huyện Đông Anh), nơi có Khu công nghiệp Thăng Long có quy mô lớn nhưng mới có 2 trường mầm non công lập, chỉ đáp ứng được chỗ học cho hơn một nửa số trẻ trên địa bàn và số trẻ vẫn tiếp tục tăng. Để giải quyết tình trạng này, khoảng 2 năm trước, xã Kim Chung đã được thành phố ghi vốn xây dựng thêm một trường mầm non với kinh phí giai đoạn 1 là 16 tỷ đồng, song đến nay vẫn là khu đất trống. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ông Vũ Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu công nghiệp Phú Nghĩa cho biết: Dự án Trường Mầm non Khu công nghiệp Phú Nghĩa đã được phê duyệt quy hoạch ngay sát Làng công nhân với diện tích 1.500m2 từ năm 2017, nhưng cũng chưa triển khai được, do chưa có kinh phí.

Xã Quang Minh (huyện Mê Linh), nơi có Khu công nghiệp Quang Minh hiện có 3.000 trẻ mầm non, nhưng mới có 2 trường mầm non công lập. Với tốc độ gia tăng khoảng 300 trẻ mỗi năm, lãnh đạo xã Quang Minh ước tính, đến năm 2025, quy mô trẻ mầm non tại xã là hơn 5.000 cháu. Huyện Mê Linh đã quy hoạch mạng lưới trường học để bảo đảm đáp ứng việc gia tăng trẻ mầm non từ các khu công nghiệp trên địa bàn giai đoạn từ nay tới năm 2025. Tuy nhiên, cũng như nhiều đơn vị ở khu vực ngoại thành, với nguồn ngân sách hạn hẹp, việc xây dựng trường học của huyện Mê Linh phải trông chờ vào sự hỗ trợ của thành phố và nguồn vốn xã hội hóa.

Các gia đình có người làm công nhân tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai lại đang mong ngóng những ngôi trường mới, có thể đáp ứng nhu cầu gửi con theo ca. Ông Kiều Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết: Trên địa bàn huyện không có trường, nhóm lớp mầm non tư thục. Phần lớn công nhân của khu công nghiệp là người địa phương, nên con của họ được gửi tại các trường học trên địa bàn. Song, do đặc thù công nhân làm việc theo ca, trong khi trường công lập lại chỉ đón trẻ theo giờ giấc quy định, chính quyền cũng không thể yêu cầu các cô giáo làm thêm giờ. Huyện Thạch Thất kiến nghị thành phố, doanh nghiệp khi xây dựng khu công nghiệp cần tính đến việc xây dựng trường học, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ theo đặc thù làm việc của công nhân, tránh dồn áp lực cho các trường học tại địa phương, giúp người lao động yên tâm làm việc.

Địa phương cần thêm hỗ trợ...


Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh về những áp lực của việc lo chỗ học cho con của người lao động tại khu công nghiệp trên địa bàn huyện, phần nào làm rõ thêm những khó khăn của chính quyền địa phương có khu công nghiệp. Sự gia tăng dân số cơ học, cộng thêm sự phát triển về quy mô của các khu công nghiệp những năm gần đây ở một số địa bàn: Mê Linh, Đông Anh, Chương Mỹ, Thạch Thất..., khiến cho số lượng trẻ mầm non ngày càng tăng, trở thành bài toán khó cho chính quyền địa phương.

Thực tế cũng cho thấy, áp lực về chỗ học cho học sinh ở độ tuổi mầm non đều dồn lên vai chính quyền địa phương và ngành Giáo dục của địa phương đó. Các địa phương đều cố gắng bảo đảm quyền lợi học tập của các cháu, song chỉ có sự nỗ lực, cố gắng của địa phương là chưa đủ. Trước mắt, trong bối cảnh mạng lưới trường công lập chưa đáp ứng kịp nhu cầu gửi trẻ, rất cần có sự quyết liệt của chính quyền cấp quận, cấp xã trong việc giám sát tình hình hoạt động và hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn phát triển, từ đó làm giảm áp lực về chỗ học. Về lâu dài, việc tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 29/2008/NQ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế để xây dựng trường học trong khu công nghiệp, đáp ứng nhu cầu gửi con của người lao động đòi hỏi sự tham gia của Sở Kế hoạch - Đầu tư và các sở, ngành liên quan.

Trước câu hỏi có phải chỉ các trường mầm non mới bị áp lực trong việc đáp ứng chỗ học cho trẻ là con công nhân của khu công nghiệp hay không, liệu các trường tiểu học có đang đứng trước thực trạng này? Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định: Lực lượng nữ công nhân ở các khu công nghiệp hiện nay chủ yếu ở độ tuổi từ 18 đến 25, nên đều có con ở độ tuổi mầm non. Ngoài ra, có một thực tế là khi con đã lớn, các gia đình thường gửi con về quê sống với ông, bà nội, ngoại, chỉ có số ít học sinh là con công nhân theo học lên cấp tiểu học, song mạng lưới trường tiểu học tại các địa phương đều đáp ứng tốt.

Tuy nhiên, đó chỉ là thực trạng trước mắt. Nếu các cơ quan quản lý không cùng chung sức để xây dựng những giải pháp đồng bộ, lâu dài, thì trong tương lai không xa, khi mà cuộc sống của công nhân lao động ổn định và bền vững hơn, những áp lực tương tự về chỗ học có thể sẽ tiếp tục diễn ra đối với các trường tiểu học, thậm chí là cả các trường THCS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Chung tay gánh trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.