Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trước thềm năm học mới 2018-2019: Tìm giải pháp cho hai vấn đề "nóng"

Thống Nhất| 03/08/2018 06:44

(HNM) - Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã được tổ chức nghiêm túc, song cần rút kinh nghiệm từ những sai phạm ở một số địa phương để bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng.


Thí sinh làm thủ tục tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: Nhật Nam


Khắc phục hạn chế để kỳ thi công bằng, minh bạch

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và các năm tiếp theo sẽ được tổ chức như thế nào là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tại hội nghị. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết: Hà Nội đã rà soát lại tất cả các khâu và khẳng định kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Nội được tổ chức nghiêm túc, an toàn và khách quan. Từ thực tế của năm 2018, TP Hà Nội đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) giữ ổn định phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay, song cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở các khâu để bảo đảm công bằng cho tất cả học sinh.

Ý kiến của nhiều địa phương cũng đồng tình với đề xuất của Hà Nội. Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang Nguyễn Thị Minh Giang không đồng tình với những hành vi sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia tại một số địa phương và cho rằng, về cơ bản các địa phương đã thực hiện nghiêm túc. Bộ GD-ĐT cần có phương án giám sát, phòng ngừa để triển khai tốt hơn trong kỳ thi năm sau, nhưng không nên có sự thay đổi quá lớn gây khó cho học sinh.

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo TP Hồ Chí Minh lại cho rằng, Bộ GD-ĐT nên giao việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các sở GD-ĐT; việc tuyển sinh đại học, cao đẳng do các trường tự tổ chức.

Là trường có quy mô tuyển sinh khá lớn, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh dựa theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia chiếm 90% trong tổng chỉ tiêu hằng năm, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân ủng hộ việc duy trì phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đến hết năm 2020, song kiến nghị Bộ GD-ĐT quan tâm đến việc xây dựng đề thi để bảo đảm tính phân hóa, đáp ứng yêu cầu của công tác tuyển sinh; tổ chức chấm chéo giữa các địa phương hoặc tổ chức chấm thi theo cụm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát khâu chấm thi trắc nghiệm khách quan...

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 còn một số hạn chế, thiếu sót như đề thi chưa phù hợp, có những câu hỏi có độ khó cao; phần mềm chấm trắc nghiệm khách quan còn những kẽ hở trong bảo mật, dễ có nguy cơ bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả; trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức kỳ thi và công tác thanh tra, giám sát của Bộ GD-ĐT trong các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương còn nhiều sơ hở, chưa sâu sát... Việc khắc phục những hạn chế, bịt kín kẽ hở... là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Giáo dục sẽ tập trung tìm cách sửa đổi trong năm học tới để kỳ thi này thật sự công bằng, minh bạch.

Về vấn đề trên, phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc đổi mới giáo dục, trong đó có đổi mới kiểm tra, đánh giá cần có lộ trình. Trong lộ trình ấy không có giải pháp nào là hoàn hảo, vì vậy, cần kiên trì để thực hiện theo kế hoạch đặt ra đến hết năm 2020.

Giảm biên chế phải trên cơ sở hiệu quả thực tế

Cùng với "điểm nóng" là kỳ thi THPT quốc gia, nhiều vấn đề khác trước thềm năm học mới cũng được hội nghị dành thời gian thảo luận. Điển hình là tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, hiện tỉnh Kiên Giang còn thiếu từ 700 đến 1.000 giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và lý giải thêm: Việc giao biên chế giáo viên được thực hiện theo định mức học sinh/lớp, nhưng thực tế, nhiều trường ở vùng nông thôn, miền núi không thể đạt quy mô tối đa như quy định. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan giao quyền chủ động cho địa phương tính toán biên chế để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoặc có giải pháp điều chỉnh phù hợp.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Nội diễn ra an toàn, minh bạch. Ảnh: Viết Thành


Về vấn đề này, ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ thông tin: Phú Thọ cũng đang gặp khó khăn trong việc tinh giản đội ngũ giáo viên, cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ. Theo tính toán, từ nay tới năm 2021, với việc phải giảm 10% biên chế, Phú Thọ phải giảm khoảng 2.400 giáo viên. Trong khi đó cấp học mầm non đang còn thiếu giáo viên, quy mô học sinh vào các lớp lại ngày càng tăng. Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh phát biểu, là địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn, hệ thống trường, nhóm lớp mầm non phát triển mạnh, đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép tăng thêm định mức giáo viên/lớp để có thể đáp ứng được nhu cầu đón trẻ sớm vào buổi sáng và trả trẻ muộn của phụ huynh là công nhân.

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT, các địa phương rà soát cụ thể thực trạng đội ngũ giáo viên, đồng thời làm rõ những băn khoăn đó. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, việc tổ chức tinh giản biên chế trong ngành GD-ĐT tập trung vào lực lượng gián tiếp, còn đội ngũ giáo viên cần được tiếp tục quan tâm trên cơ sở điều kiện, nhu cầu thực tế của địa phương và trên nguyên tắc tạo thuận lợi tốt nhất cho việc học tập của học sinh, bảo đảm để có thể tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày... Ngành GD-ĐT và các địa phương tuyệt đối không được để tình trạng thiếu giáo viên môn này lại điều giáo viên môn khác sang dạy.

Tại điểm cầu Hà Nội, đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã báo cáo tóm tắt những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục Thủ đô: TP Hà Nội đã dành 19.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, chiếm 25,5% mức chi từ ngân sách. Hà Nội đã xây dựng 66 trường học và hơn 22.000 phòng học mới; tỷ lệ nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn đạt 78%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 62%. 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trước thềm năm học mới 2018-2019: Tìm giải pháp cho hai vấn đề "nóng"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.