Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng sức hút cho giáo dục di sản

Nguyễn Thanh| 05/08/2018 07:52

(HNM) - Trở lại trong mùa thứ hai của chương trình giáo dục di sản tại Di tích nhà tù Hỏa Lò, “Em học làm thuyết minh” tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn từ lượng thí sinh đăng ký, bầu không khí sôi động cùng nhiệt huyết của những bạn nhỏ tham gia chương trình.


Khơi dậy tình yêu di sản

Có mặt trong Ga la chung kết "Em học làm thuyết minh" tại Di tích nhà tù Hỏa Lò tuần qua, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước những màn thể hiện đầy cuốn hút của những thuyết minh viên nhí. Với chất giọng truyền cảm và diễn xuất tự tin, các em đã tái hiện một cách sinh động những ngày tháng gian khó mà anh dũng của các chiến sĩ cách mạng, những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội ở nhà tù khét tiếng của thực dân với tên gọi “địa ngục trần gian”.

Học sinh Thủ đô tham quan Di tích nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Việt Hưng


Một trong những phần thể hiện mang lại nhiều cảm xúc nhất cho người xem chính là câu chuyện “Bàng ơi” của nhóm bạn nhỏ Three T. Bằng phương pháp nhân cách hóa cùng lối dẫn chuyện tự nhiên, các bạn nhỏ đã làm “sống lại” những câu chuyện một thời gian khó của các tù binh cộng sản, như: Lấy lá bàng hơ nóng để dịu cơn đau; lấy vỏ bàng sắc thuốc chữa lạnh bụng; lấy cành bàng làm đũa ăn, làm quản bút… hay trái bàng làm đồ ăn những lúc đói lòng. Lấp lánh qua những câu chuyện là tình cảm của những người đồng chí, đồng đội đã hết lòng nhường cơm, xẻ áo, đỡ đòn roi cho nhau. Một câu chuyện xúc động khác được gửi đến khán giả là những năm tháng trong xà lim tử tù của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với tên gọi “Người con của cách mạng”.

Bằng lối kể chuyện thông minh, các bạn trẻ đã khéo léo dẫn dắt khán giả tới khu vực giam cầm khắc nghiệt nhất của nhà tù Hỏa Lò - xà lim dành cho tử tù - cũng là một trong những nơi ươm mầm cách mạng mạnh mẽ nhất.

12 thí sinh tham dự là 12 phần thuyết trình đầy say mê và thuyết phục về nhà tù Hỏa Lò, cho người xem thấy một góc rất khác của “địa ngục trần gian” trong giai đoạn thực dân Pháp đô hộ. Hồ Vũ Ngọc Anh, học sinh lớp 4K, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, cho biết: Tham gia chương trình “Em học làm thuyết minh”, con được các cô chú ở khu di tích dạy kiến thức lịch sử, hướng dẫn phương pháp kể chuyện truyền cảm, hấp dẫn và nhất là cách vượt qua sự căng thẳng khi phải nói trước nhiều người. Con rất muốn được tham gia nhiều chương trình trải nghiệm như vậy nữa.

Lợi ích “nhiều trong một”

Là một trong những chương trình giáo dục di sản được duy trì thường niên tại Di tích nhà tù Hỏa Lò, “Em học làm thuyết minh” với hướng tiếp cận đầy mới mẻ và bổ ích, đã bồi đắp cho thí sinh kiến thức, tình yêu lịch sử cùng kỹ năng sống thông qua cơ hội trải nghiệm thực tế. Với chương trình học tập được xây dựng sát với lứa tuổi từ 8 đến 15, xuyên suốt hai tháng hè, cứ vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, các em nhỏ tham gia chương trình được cán bộ di tích giới thiệu lịch sử nhà tù Hỏa Lò, tìm hiểu những câu chuyện còn mãi với thời gian qua những phòng giam ẩm thấp, chật chội, những gông cùm, máy chém…

Song song với việc học kiến thức là các buổi học về tác phong đi đứng, cười nói, giới thiệu nội dung trưng bày và xử lý các tình huống. Đặc biệt, một số bạn còn được chọn để tham gia cùng cán bộ của di tích thuyết minh cho khách tham quan như một trải nghiệm thực tế. Trưởng ban Quản lý Di tích nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết: Thay vì cách hướng dẫn, giới thiệu di sản một chiều, khô cứng đã thành truyền thống, học lịch sử trực tiếp qua chương trình “Em học làm thuyết minh” đang mang lại lợi ích “nhiều trong một”.

Từ những kiến thức thu nhận được, các em tìm cách chắt lọc thông tin, soạn nội dung thuyết minh theo cảm nhận của riêng mình, từ đó thêm một lần thẩm thấu kiến thức. Đặc biệt, quá trình tương tác, chia sẻ kinh nghiệm thuyết trình, biểu đạt cảm xúc, thể hiện ngôn ngữ cơ thể còn giúp các em tăng sự tự tin và khả năng giao tiếp, ứng biến nhanh trước đám đông. Các buổi học vì thế luôn sôi nổi và hào hứng.

Đồng tình với nhận xét này, chị Nguyễn Thanh Hải, phụ huynh của thí sinh Hoàng Minh Đức, chia sẻ: “Việc được trực tiếp tiếp xúc với các di tích lịch sử sẽ giúp các con có được trải nghiệm thú vị đồng thời hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, trở nên tự tin hơn khi thể hiện bản thân trước mọi người - điều mà các con đang còn rất thiếu".

Đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm đang là hướng đi được nhiều khu di sản văn hóa hướng tới. Đã có rất nhiều bảo tàng, di tích nỗ lực tìm tòi phương pháp tiếp cận tích cực, phù hợp hơn cho từng đối tượng trải nghiệm, như: Khu di tích Hoàng thành Thăng Long với “Em làm nhà khảo cổ"; Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám với “Chắp cánh ước mơ cùng sĩ tử nhí”; Bảo tàng Lịch sử quốc gia với “Tìm hiểu, trải nghiệm xếp hàng mua lương thực, thực phẩm thời bao cấp”, “Tìm hiểu các triều đại phong kiến Việt Nam”... Mặc dù đã và đang khẳng định những hiệu quả rõ rệt, nhưng những chương trình giáo dục di sản nói chung và “Em học làm thuyết minh” nói riêng, vì nhiều nguyên nhân, vẫn mới chỉ được tổ chức trên quy mô hẹp, đồng nghĩa với việc sức lan tỏa của hoạt động chưa cao.

Theo Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam PGS.TS Đặng Văn Bài, sắp tới giáo dục di sản cần hướng tới nhiều đối tượng công chúng hơn thay vì chỉ ưu tiên đối tượng học sinh. Riêng trong giáo dục di sản dành cho học sinh, cần tạo được sự say mê cho chính các thầy cô và phụ huynh. Nếu đã có mô hình tốt thì cần nhân rộng điển hình và duy trì điển hình hơn nữa để có được những gói sản phẩm hấp dẫn, hiệu quả, phù hợp với đặc trưng của từng di sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng sức hút cho giáo dục di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.