Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xin học trường "trái tuyến" sẽ tạo sức ép lên chất lượng giảng dạy

Minh Huệ| 12/08/2018 22:47

(HNMO) - Hằng năm, chuẩn bị bước vào năm học mới, các bậc phụ huynh có con học đầu cấp, đặc biệt là đầu cấp tiểu học (lớp 1) lại chạy đôn, chạy đáo lo xin học cho con.


Vì tiện đường đi làm

Có nhiều nguyên nhân để không ít phụ huynh bằng mọi giá xin cho con em mình được học trái tuyến tại các trường tiểu học công lập. Trong đó có nguyên nhân là tiện đường đi làm cho bố mẹ.

Anh Nguyễn Quang Anh ở khu đô thị Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì) cho biết: “Tôi đang có con học lớp 2 tại trường tiểu học Thanh Liệt. Năm ngoái, khi cháu bước vào lớp 1, nếu học đúng tuyến, cháu phải học trường tiểu học Yên Xá. Tuy nhiên, trường học này không thuận đường đi làm của cả 2 vợ chồng, nên tôi đã cố gắng xin cho cháu vào học tại trường tiểu học Thanh Liệt cho dù việc xin học rất vất vả”.

Vợ chồng anh Lê Văn Đồng cũng ở khu đô thị Đại Thanh có con năm nay học lớp 3 tại trường tiểu học Kiến Hưng (quận Hà Đông) cho biết, năm con anh bước vào lớp 1, nếu học đúng tuyến phải học trường tiểu học Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì).

Vì muốn thuận tiện trong việc đưa đón con nên vợ chồng anh chị cũng muốn xin cho con vào học tại trường tiểu học Thanh Liệt (gần chỗ ở) nhưng không được. Do vậy, vợ chồng anh chị đành phải xin cho con học tại trường tiểu học Kiến Hưng, bởi thuận đường đi làm của cả 2 vợ chồng hơn so với học tại trường tiểu học Tả Thanh Oai.

Học trái tuyến góp phần làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học bởi sĩ số học sinh ở mỗi lớp tăng lên.


Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì, kể từ khi khu đô thị Đại Thanh khánh thành và đi vào hoạt động, đến nay đã có hàng nghìn hộ dân đến ở, trong đó phần lớn là các cặp vợ chồng trẻ có con bước vào tuổi đi học tiểu học. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không chấp hành quyết định của cấp có thẩm quyền là phải xây dựng trường học. Chính vì thế, mấy năm gần đây, sức ép về trường lớp dành cho con em của cư dân khu đô thị Đại Thanh là rất lớn đối với chính quyền huyện.

Để giảm tải cho trường tiểu học Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì đã đưa ra giải pháp tạm thời là phân các cháu đến học tại các trường tiểu học trên địa bàn huyện, trong đó có trường tiểu học Yên Xá (xã Tân Triều) mới được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm học 2017-2018. Song, có một thực tế là không ít bậc phụ huynh chỉ vì nhu cầu thuận đường đi làm nên cố tình xin học trái tuyến cho con, gây nên tình trạng quá tải ở một số trường tiểu học, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng dạy và học…

Vì chất lượng giảng dạy

Ngoài lý do tiện đường đưa đón con khi đi làm, còn có một nguyên nhân khác khiến không ít bậc phụ huynh xin cho con học trường trái tuyến là chất lượng dạy học. Anh Trịnh Đình Minh ở thôn Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) cho biết: “Tôi đang có con học lớp 4 tại trường tiểu học Tả Thanh Oai. Sở dĩ tôi phải xin cho con học trái tuyến ở trường của huyện khác không phải vì tiện đường đi làm, mà là vì chất lượng giảng dạy ở trường tiểu học Tả Thanh Oai tốt hơn".

Ở thôn Cự Đà cũng có rất nhiều người xin cho con học tại đây hoặc trường tiểu học Hữu Hòa (huyện Thanh Trì) vì phụ huynh đều có suy nghĩ là các trường này có chất lượng dạy tốt hơn trường tiểu học Cự Khê. "Mặc dù đều biết, sĩ số bình quân tại các trường này gần 50 cháu/lớp, trong khi ở trường tiểu học Cự Khê sĩ số bình quân mỗi lớp học thấp hơn nhiều”, anh Minh phân bua.

Theo lãnh đạo trường tiểu học Tả Thanh Oai, trường đã được thành phố công nhận là trường chuẩn Quốc gia mức độ 1 từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, những năm gần đây, do sức ép dân số từ khu đô thị Đại Thanh nên số lượng học sinh tại trường tăng đột biến.

Vì thế, sĩ số bình quân mỗi lớp học cũng tăng lên, có nhiều lớp các cháu phải ngồi học 3 cháu/bàn, trong khi theo quy định trường chuẩn mức độ 1 mỗi lớp tối đa không quá 35 học sinh. Xuất phát từ thực tế đó, để bảo đảm chất lượng giáo dục, vài năm trở lại đây, nhà trường cương quyết không nhận học sinh trái tuyến.

Có thể nói, việc học sinh học trái tuyến phần nào đó đã ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giảng dạy và học tập của nhiều trường tiểu học công lập trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, khi mà sĩ số của mỗi lớp học từ đó cũng tăng lên.

Bởi vậy, theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì, bước vào năm học 2018-2019, phòng chỉ đạo các trường tiểu học trên địa bàn cương quyết không nhận học sinh học trái tuyến cho dù xuất phát từ lý do gì.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xin học trường "trái tuyến" sẽ tạo sức ép lên chất lượng giảng dạy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.