Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm học 2018-2019: Kỳ vọng nâng cao chất lượng

Hằng - Dung| 04/09/2018 06:20

(HNM) - Không khí tựu trường đang rộn ràng, náo nức khắp các địa phương trên cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Người dân kỳ vọng vào một năm học với nhiều đột phá, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: Viết Thành


Bà Nguyễn Thị Thủy (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai):
Chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao


Những năm gần đây, mạng lưới trường, lớp ở Hà Nội tiếp tục được mở rộng, cơ sở vật chất được đầu tư, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô. Điều đáng nói là chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn luôn đạt kết quả xuất sắc; học sinh của Hà Nội tiếp tục khẳng định tài năng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Song, bên cạnh đó, ngành Giáo dục Hà Nội còn bộc lộ một số tồn tại như: Tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra ở không ít địa phương; lạm thu vẫn tồn tại ở một số trường; quá trình đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo bộc lộ nhiều khiếm khuyết khiến dư luận lo lắng.

Bước vào năm học mới 2018-2019, mong rằng Hà Nội tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường quản lý nhà nước, thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện, có giải pháp khắc phục những thiếu sót, hạn chế.

Ông Phan Văn Toàn (phường Mai Động, quận Hoàng Mai):
Giảm tải hơn nữa tại các trường ở nội thành


Được biết, số lượng trường học trên địa bàn Hà Nội năm sau đều tăng hơn so với năm trước, điều này thể hiện sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Qua tìm hiểu tôi được biết, năm học 2018-2019, Hà Nội có 2.698 trường, tăng 48 trường so với năm học trước. Mặc dù trường mới, phòng học mới được xây thêm nhiều, cơ sở vật chất cũng được đầu tư cải tạo, nâng cấp, song tình trạng quá tải vẫn tồn tại ở nhiều trường mầm non, tiểu học trong khu vực nội thành. Việc này dẫn đến tình trạng các trường không thể sắp xếp được sĩ số theo quy định, thậm chí một số trường tiểu học công lập còn có sĩ số 55-65 học sinh/lớp... Nếu tình trạng này không sớm được thay đổi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học...

Mong rằng, trong năm học tiếp theo, cùng với việc đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, Hà Nội tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hơn nữa nhằm giảm tải cho các trường khu vực nội thành.

Bà Trần Thu Trang (phường Đội Cấn, quận Ba Đình):
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên


Theo tôi, để có sự đột phá trong giáo dục, cần bắt đầu từ đội ngũ giáo viên. Được biết, tại TP Hồ Chí Minh, năm học 2018-2019 sẽ bắt đầu thực hiện chủ trương tự chủ biên chế và tổ chức trong các trường THPT, đến năm 2020 các trường THPT sẽ tự chủ về nhân sự. Hiệu trưởng trường được tự chủ tuyển dụng giáo viên, nhân viên, thông qua sự giám sát, thẩm định hồ sơ của Sở Giáo dục và Đào tạo với các ứng viên trúng tuyển trước khi trường ký hợp đồng chính thức. Việc tự chủ này sẽ giúp cho sự phân luồng giáo viên tốt hơn và tạo thuận lợi để nhà trường lựa chọn được giáo viên giỏi, có năng lực. Người có trình độ, kinh nghiệm giảng dạy có thêm cơ hội được thể hiện năng lực. Tôi cho rằng đây là cách làm hợp lý trong bối cảnh giáo dục hiện nay.

Đồng thời, việc tự chủ này cũng nên áp dụng với các vị trí quản lý của nhà trường. Khi tuyển dụng hiệu trưởng, hiệu phó cần có giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng; cần thẩm định trình độ, kỹ năng sư phạm, quản lý và có hình thức xử lý nghiêm vi phạm để tránh tình trạng tuyển dụng người nhà, người thân vào làm việc tại trường.

Ông Lê Xuân Minh (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy):

Tăng thực hành và đào tạo kỹ năng


Một nghịch lý đã và đang diễn ra là học sinh Việt Nam học rất giỏi, điểm thi cao nhưng khi va vấp với xã hội bên ngoài nhiều kỹ năng lại không được như mong đợi. So sánh tại một buổi dã ngoại giữa học sinh Việt Nam và học sinh nước ngoài thì kỹ năng sống và khả năng sinh tồn của học sinh nước ngoài thật sự khác biệt với sự nhanh nhạy, sắc bén, thích nghi với hoàn cảnh tốt hơn, biết vận dụng kiến thức vào thực tế. Nhiều cử nhân ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp, kể cả người có bằng giỏi, và không ít thạc sĩ vẫn thất nghiệp...

Điều này đòi hỏi, Việt Nam phải thay đổi phương pháp, không nên quá nặng về lý thuyết mà coi nhẹ việc thực hành... Tôi cũng như rất nhiều phụ huynh khác mong muốn từ cấp tiểu học đến đại học, các nhà trường cần đổi mới phương pháp, hình thức dạy và học, bảo đảm thời lượng dạy lý thuyết, nhưng tăng thời gian thực hành và đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm học 2018-2019: Kỳ vọng nâng cao chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.