Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý thực phẩm trong trường học

Xuân Lộc| 06/09/2018 08:00

(HNM) - Học sinh trên cả nước đã chính thức bước vào năm học mới 2018-2019. Bên cạnh nỗi lo về các khoản đóng góp, bữa ăn ở trường trước bối cảnh thực phẩm “bẩn” tràn lan như hiện nay cũng khiến các bậc phụ huynh “đau đầu”.

Vẫn còn nhiều nỗi lo...

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trên toàn thành phố có hơn 2.600 trường học, trong đó có khoảng 1.600 trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Hiện tại, hình thức phục vụ ăn bán trú cho học sinh ở Hà Nội phân thành 4 loại: Nhà trường tự nấu, tự mua thực phẩm; đặt cơm của các công ty nấu suất ăn; hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm để tự nấu; hợp đồng với công ty vừa cung cấp thực phẩm, vừa sơ chế bữa ăn, nhà trường chỉ giám sát.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).



Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học. Kết quả kiểm tra an toàn, vệ sinh thực phẩm của các đoàn kiểm tra liên ngành Y tế - Giáo dục tại các quận, huyện năm học 2017-2018 cho thấy, hầu hết các trường đã tuân thủ quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường không có nhà bếp, phải nấu nhờ trường khác, rồi vận chuyển đến, nên khó khăn trong kiểm soát; một số nhân viên tham gia chế biến thực phẩm chưa tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, có người không đeo găng tay khi chia suất ăn, bảo quản thực phẩm không đúng quy định, không lưu mẫu thức ăn… Thậm chí, nhiều trường mới chỉ kiểm tra được hợp đồng, giấy phép kinh doanh của công ty cung ứng và kiểm tra thực phẩm... bằng cảm quan.

Thế nhưng, kết quả kiểm tra đó mới chỉ phản ánh được “bề nổi của tảng băng chìm”. Trên lý thuyết, các trường có bếp ăn bán trú đều tuân thủ quy định, chỉ ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm có giấy chứng nhận bảo đảm an toàn. Song, nếu chỉ tin vào giấy chứng nhận thì có lẽ chưa đủ, bởi mức độ tin cậy của giấy chứng nhận ra sao vẫn là vấn đề còn tranh cãi. Thực phẩm ôi thiu, có mùi có thể nhìn, ngửi thấy, nhưng để kiểm chứng hàm lượng thuốc trừ sâu, thuốc thực vật, kim loại... có trong rau quả; xác định xuất xứ, chất lượng của thực phẩm lại không đơn giản. Thực tế từng xảy ra chuyện đơn vị kinh doanh thực phẩm thu mua rau không an toàn rồi đóng gói, dán mác an toàn để tiêu thụ; chuyện nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung ứng đủ điều kiện, nhưng cứ mỗi sáng lại cử nhân viên nhà bếp ra chợ mua rau, củ về nấu cho học sinh...

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, an toàn thực phẩm nói chung và an toàn thực phẩm trong bếp ăn tại trường học nói riêng đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Các vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong trường học chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 3,7%) trong tổng số vụ ngộ độc thực phẩm trung bình hằng năm, nhưng đối tượng bị ngộ độc lại là học sinh nhỏ tuổi, sức đề kháng kém, hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng hơn. “Nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể trong các trường học rất đa dạng. Thêm vào đó, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm… rất thủ công. Do đó, nếu kiểm soát không tốt, không bảo đảm an toàn có nguy cơ len lỏi vào các bếp ăn trường học, gây ra những hậu quả khôn lường” - PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cho biết.

Phụ huynh tham gia giám sát

Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, để bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn trường học, đầu tiên cần nâng cao nhận thức, kiến thức an toàn thực phẩm cho giáo viên, người chế biến thực phẩm trong trường. Mặt khác, các trường cần thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời phân công cán bộ, nhân viên hằng ngày theo dõi việc tiếp nhận thực phẩm, ký giao nhận thực phẩm và kiểm thực 3 bước: Kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn và kiểm tra trước khi ăn. Bên cạnh đó, ban giám hiệu các nhà trường cần tăng cường chỉ đạo, giám sát, kiểm tra việc chọn mua và nhập thực phẩm, quá trình sơ chế, chế biến và ăn uống tại bếp ăn bán trú nhà trường.

Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm bếp ăn trường học, cần sự chung tay của cộng đồng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Riêng với mỗi nhà trường, cần thành lập Ban giám sát an toàn, vệ sinh thực phẩm, trong đó phụ huynh học sinh sẽ là một thành phần của ban này và được mời tham gia giám sát thực phẩm hằng ngày.

Trong năm học mới 2018-2019, Sở Y tế sẽ tăng cường phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát hệ thống bếp ăn tập thể tại các trường, trong đó tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất quy trình chế biến thực phẩm, nguồn thực phẩm ngay từ khâu đầu vào, góp phần phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Khi phát hiện sai phạm, ngoài việc xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm, sẽ buộc các trường chấm dứt hợp đồng cung cấp thực phẩm với doanh nghiệp vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý thực phẩm trong trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.