Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy phong trào dạy tốt, học tốt

Minh Ngọc| 24/09/2018 06:49

(HNM) - “Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018 (Hội giảng) đã khép lại, song những phương pháp giảng dạy linh hoạt, hiện đại sẽ được nghiên cứu để triển khai, ứng dụng rộng rãi, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Bài trình giảng về kỹ thuật hàn tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc.


- Với vai trò là Trưởng ban Tổ chức, ông đánh giá thế nào về Hội giảng năm nay?

- Có thể khẳng định, Hội giảng năm 2018 thành công trên nhiều phương diện. Về quy mô, Hội giảng thu hút 373 nhà giáo đến từ 244 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi cả nước, tham gia trình giảng ở 90 ngành, nghề, đông nhất từ trước đến nay. Những ngành, nghề “hot” như công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật cơ khí, điện, điện tử công nghiệp, hàn, công nghệ ô tô, quản trị khách sạn, nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn… có rất nhiều nhà giáo tham gia trình giảng, tạo nên cuộc ganh đua sôi động, quyết liệt. Những ngành nghề ít xuất hiện trong các kỳ Hội giảng trước đây như thiết kế thời trang, dược, điều dưỡng, hộ sinh, y sĩ… cũng ghi dấu ấn tại Hội giảng năm nay với nhiều bài giảng hấp dẫn.

Về chất lượng, theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, đa số thầy giáo, cô giáo nắm vững kiến thức, kỹ năng chuyên môn, tỏa sáng “nghệ thuật” sư phạm. Khi giảng bài, giáo viên biết cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học mới, tạo ra môi trường học tập tích cực, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học. Điển hình là bài giảng về nghề công nghệ ô tô của thầy giáo Trần Tuấn Anh (Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội), bài giảng về nghề điều dưỡng của cô giáo Bùi Thị Hiền (Trường Cao đẳng Y tế Bắc Ninh), bài giảng về nghề hàn nhôm của thầy giáo Lê Lương Huỳnh (Trường Trung cấp Nghề cơ khí I Hà Nội)...

Lấy thang điểm tối đa là 20, hầu hết giáo viên tham gia Hội giảng đạt 15 điểm trở lên để giành các giải thưởng giá trị, bao gồm 16 giải Nhất, 32 giải Nhì, 48 giải Ba và 256 giải Khuyến khích. Ngoài ra, Hội đồng Giám khảo đã lựa chọn được một số bài giảng tỏa sáng về kỹ năng nghề và phương pháp sư phạm, điển hình về ứng dụng công nghệ thông tin, về sử dụng thiết bị giáo dục tự làm. Kết quả này phần nào cho thấy, cách thức, phương pháp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hướng tới mục tiêu: Dạy những gì doanh nghiệp, thị trường lao động và xã hội cần.

- Một số hội thảo chuyên đề diễn ra trong khuôn khổ Hội giảng gợi mở điều gì cho hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp, thưa ông?

- Trong khuôn khổ Hội giảng đã diễn ra một số hội thảo bàn về định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp và phương pháp giảng dạy mới. Thông qua những hội thảo này, đội ngũ nhà quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình.

Với đội ngũ giáo viên, ngoài năng lực, trình độ chuyên môn, họ cần có khả năng phân tích, đánh giá người học, từ đó thiết kế bài giảng sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh, sinh viên. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải biết sử dụng các thiết bị thực hành, biết trình diễn kỹ năng mẫu, tổ chức học tập theo nhóm, giúp người học chủ động tiếp thu kiến thức, từng bước hình thành kỹ năng, thái độ nghề nghiệp. Nói cách khác, giáo viên chuyển từ vai trò truyền thụ kiến thức sang vai trò hướng dẫn, cố vấn cho học sinh, sinh viên. Mọi hoạt động đều lấy người học làm trung tâm.

Phía người học cần chuyển từ thế thụ động tiếp nhận kiến thức sang thế chủ động nắm bắt kiến thức, hình thành kỹ năng; cần thay đổi tư duy học nghề, làm nghề. Thay vì tư duy đơn ngành, người học nên hướng đến tư duy liên ngành và tính chuyên nghiệp trong khi làm nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần từng bước chuẩn nhà giáo, chuẩn cơ sở vật chất, chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra; nâng cao tính tự chủ; tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững.

- Xin ông cho biết, sau Hội giảng này, những phương pháp giảng dạy mới, giàu tính sáng tạo sẽ được ứng dụng ra sao?

- Sau Hội giảng, những mô hình, những phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn sẽ được phổ biến, nhân rộng.

Trên tinh thần đó, tôi mong muốn đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình giảng dạy. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, bảo đảm về cơ cấu và chất lượng. Các bộ, ngành, địa phương quan tâm nhiều hơn đến giáo dục nghề nghiệp nói chung, chất lượng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà giáo phát huy hết khả năng, nỗ lực cống hiến.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phong trào dạy tốt, học tốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.