Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngập tràn niềm vui trong Ngày Nhà giáo Việt Nam

T.Minh - Quang Thái| 20/11/2018 12:38

(HNMO) - Sáng 20-11, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), trên mọi con phố Hà Nội đều tràn ngập không khí tươi vui chào mừng ngày hội của các thầy, các cô.

Ngập tràn niềm vui

Ngay từ 8h sáng, Trường Mẫu giáo mầm non B (quận Hoàn Kiếm) đã tổ chức chương trình văn nghệ đặc biệt chào mừng với các tiết mục múa hát của các em học sinh, và các thầy cô giáo trong nhà trường. 

Học sinh Trường Mẫu giáo mầm non B (số 5 Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) múa hát chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam.


Cô giáo Nguyễn Thu Thùy - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, năm nào nhà trường cũng tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam rất trang trọng, với mong muốn đây sẽ là hoạt động ý nghĩa, tôn vinh những đóng góp của các thầy cô trong giáo dục trẻ mầm non và năm nay cũng vậy. Các học sinh của trường tuy còn rất nhỏ, nhưng đã dậy sớm chuẩn bị quần áo, trang phục tham gia các tiết mục của lễ kỷ niệm.

Học sinh và cô giáo trường THCS Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội).


Trên các con phố, nhiều nhóm học sinh, nô nức rủ nhau, mang theo những bó hoa tặng các thầy cô giáo. Em Đào Ngọc Khánh, học sinh 6A3 trường PTCS Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình) chia sẻ: "Hôm nay là Ngày Nhà giáo Việt Nam, lớp em được nghỉ học nhưng vẫn đến trường dự lễ chào mừng. Chúng em rất vui vì chúng em một ngày để chúc mừng và tri ân các thầy cô".

Cảm xúc ở ngôi trường “đặc biệt”


Trường PTCS Xã Đàn (quận Đống Đa) lại có một không khí chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam khác hẳn vì trong ngôi trường này có 50% là học sinh khiếm thính. Cách dạy, cách học, cách giao tiếp của học sinh và các thầy cô ở đây cũng rất khác biệt.

Chia sẻ về cảm xúc nhân ngày 20-11, thầy Nguyễn Bá Phúc - giáo viên toán, đã có thời gian công tác hơn 20 năm tại Trường PTCS Xã Đàn cho biết: “Những ngày này, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì các thầy cô được quan tâm dưới mọi góc độ. Do đặc thù nhà trường có những học sinh đặc biệt nên để chuẩn bị được những tiết mục văn nghệ cho lễ kỷ niệm ngày 20-11, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì các con không nghe được. Để tập luyện được một tiết mục hay, các con phải tập luyện rất công phu, mới có một tiết mục văn nghệ khớp với múa và âm nhạc”.

Thầy giáo Đỗ Minh Tiến nhận hoa từ các em học sinh Trường PTCS xã Đàn. (Ảnh: Quang Thái)


Thầy giáo Đỗ Minh Tiến, người đã có thời gian công tác tại trường PTCS Xã Đàn 31 năm cho biết, mỗi năm đến ngày 20-11 này, đều có một cảm xúc rất đặc biệt. Những ngày này, các thầy cô giáo cũ, các thế hệ học trò đã ra trường quay về luôn gợi cho những giáo viên đang giảng dạy nhiều tâm trạng, nhiều cảm xúc.

Giống như bao học sinh khác, các em khiếm thính cũng thể hiện cảm xúc với các thầy, các cô nhưng theo cách riêng. Học sinh khiếm thính có thể gặp khó khăn về ngôn ngữ nói, nhưng các em lại dùng ngôn ngữ ký hiệu. Qua ánh mắt, nụ cười và ngôn ngữ ký hiệu cũng thể hiện tình cảm, chúc mừng các thầy cô nhân ngày 20-11.

Các em dùng những món quà thủ công tự làm như tranh, ảnh, những cây hoa, lọ hoa trang trí trong lớp... thể hiện tình cảm dành cho các thầy cô và nhà trường.

"Không dùng được nhiều lời hoa mỹ nhưng những việc các em làm lại thể hiện tình cảm sâu sắc. Đó là những tình cảm mà chúng tôi rất trân trọng", thầy giáo Đỗ Minh Tiến chia sẻ.


Thầy Đỗ Minh Tiến cho biết thêm: “Khi mới về trường, tôi có ấn tượng rất mạnh. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, được phân công về trường giảng dạy, vừa làm Tổng phụ trách Đoàn, phải giao tiếp với các em rất nhiều mà ngôn ngữ giao tiếp không có. Tôi càng dùng ngôn ngữ nói càng vất vả mà không hiệu quả".

May mắn, thầy Tiến được thầy Hùng là giáo viên khiếm thính ở trường giúp học ngôn ngữ ký hiệu, giao tiếp được với các em. Từ đó, thầy trò hiểu nhau hơn. Sau này, nhà trường kết nghĩa với Nhà hát Tuổi trẻ, nghệ sỹ Phạm Thị Thành - Giám đốc Nhà Hát còn cử các đạo diễn đến dạy các em diễn kịch, dùng ngôn ngữ ký hiệu hỗ trợ các em tập các tiết mục văn nghệ đi thi, đạt nhiều giải thưởng.

Đặc biệt, nhóm học sinh của nhà trường còn được sang Thụy Điển biểu diễn trong Nhà hát Thiếu nhi khiếm thính thế giới. Các học sinh khác cũng tham gia các hoạt động đội, các cuộc thi nghi thức của quận Đống Đa, của thành phố Hà Nội và đều làm rất tốt.

"Đó chính là niềm vui, động lực trong công việc của chúng tôi. Điều này cho thấy việc dùng ngôn ngữ ký hiệu không làm cho các học sinh giới hạn trong việc học cũng như các hoạt động bình thường khác”, thầy Tiến khẳng định.

Một số hình ảnh chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11:






(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngập tràn niềm vui trong Ngày Nhà giáo Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.