Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại

Quỳnh Chi| 14/09/2012 07:32

(HNM) - Danh sách bất đồng thương mại giữa Nga và Liên minh Châu Âu (EU) lại vừa được bổ sung thêm một mục mới liên quan tới những tranh cãi xung quanh vấn đề giá xăng dầu của Tập đoàn Khí đốt quốc doanh Nga (Gazprom).


Theo tuyên bố vừa được Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra, đại diện pháp lý của liên minh 27 thành viên này đã bắt đầu thủ tục pháp lý để xem xét liệu Gazprom có vi phạm các tiêu chuẩn của Châu Âu về cạnh tranh ở 8 nước Đông và Trung Âu (Bungari, CH Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan và Slovakia) hay không. Hiện tại, những cáo buộc đối với tập đoàn sinh lợi nhất thế giới năm 2011 gồm: lạm dụng vị thế thống trị trên các thị trường cung ứng khí đốt tại Trung và Đông Âu bằng cách chia cắt thị trường; cản trở "dòng khí đốt tự do tới Châu Âu"; thiết lập các rào cản đối với việc đa dạng hóa cung ứng năng lượng tới Liên minh Châu Âu (EU) và áp đặt giá khí đốt tăng cao với người tiêu dùng.

Việc EU mở cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Gazprom cũng có nghĩa EC đã quyết định tiến thêm một bước trong cuộc tranh cãi với Nga về các nguyên tắc mua bán các nguồn năng lượng, trước hết là khí đốt. Dự kiến, tiến trình điều tra sẽ kéo dài từ vài tháng đến một năm. Theo luật Châu Âu, vi phạm các tiêu chuẩn cạnh tranh có thể bị phạt tới 10% doanh thu/năm của công ty. Trong trường hợp của Gazprom là 14,5 tỷ euro - một con số đáng kinh ngạc.

Trên thực tế, không phải đến thời điểm này căng thẳng EU - Nga liên quan tới năng lượng mới bùng phát. Tranh cãi pháp lý về vấn đề này đã được châm ngòi từ cách đây 5 năm khi EC đưa ra một gói đạo luật mới và được phê chuẩn năm 2009. Nga cho rằng đạo luật này chỉ làm tăng giá thành năng lượng do số lượng các công ty trung gian tăng lên. Bên cạnh đó, việc một số nước Đông Âu lợi dụng đạo luật để thiết lập kiểm soát cơ sở hạ tầng năng lượng trên lãnh thổ của mình khiến căng thẳng giữa hai bên gia tăng.

Đáp lại động thái của EC, ngày 9-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích cuộc điều tra chống độc quyền do EC tiến hành nhằm vào Tập đoàn Khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga, coi đây là hành động "không mang tính xây dựng" và khẳng định Mátxcơva đã không còn sẵn sàng trợ giá cho Đông Âu nữa. Theo ông chủ Điện Kremlin, việc EC cho rằng Gazprom vi phạm các quy định chống độc quyền thực chất là nhằm gây sức ép để tập đoàn phải chịu một phần gánh nặng "trợ cấp" cho những quốc gia kinh tế yếu kém ở Đông Âu. Đây là một bộ phận làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính ở Lục địa già.

Mặc dù các nhà lãnh đạo của cả Nga lẫn EU đều phủ nhận khả năng xảy ra một "cuộc chiến thương mại", song giới phân tích cho rằng, quyết định điều tra của EC chắc chắn sẽ nới rộng hố ngăn cách quan hệ Nga - EU và gây thiệt hại cho cả hai phía. Sự lo ngại của dư luận không phải không có lý vì ngay trong ngày giao dịch sau khi EC công bố quyết định điều tra nhằm vào Gazprom, cổ phiếu của tập đoàn này đã trải qua phiên giảm điểm lớn nhất trong vòng 5 tuần. EU cũng sẽ khó tránh khỏi đòn trả đũa chưa được dự báo vì hiện Châu Âu vẫn đang phụ thuộc tới 25% vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Nhu cầu này có chiều hướng tăng mạnh khi nhiều nước đang lên kế hoạch từ bỏ năng lượng hạt nhân vì lo ngại sự rủi ro của loại năng lượng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.