Theo dõi Báo Hànộimới trên

6 lý do khiến phương Tây quan tâm tới Mali

V.A| 17/01/2013 15:01

(HNMO) - Mali là một trong những nước nghèo nhất ở châu Phi, vùng đất phần lớn là sa mạc, dân cư thưa thớt. Nhưng tại sao đất nước này đang được các nước Tây Phi, châu Âu và Mỹ theo dõi sát sao với sự lo ngại?


1. Vị trí

Mali không phải là một cường quốc trong khu vực và đang “ở bên rìa” của nền kinh tế thế giới. Đất nước này không giàu dầu mỏ, ở trong đất liền và rất nghèo. Nhưng nước này rất lớn – có diện tích gần gấp đôi Pháp và có biên giới với 7 nước láng giềng, những nước có đường biên giới dài, được bảo vệ kém, cung cấp cho các chiến binh những tuyến đường cung cấp (và tẩu thoát).

Nhiều trong số các quốc gia trên - từ Algeria ở phía bắc tới Bờ Biển Ngà ở phía nam - đã phải hứng chịu bạo lực, chủ nghĩa cực đoan, sự bất ổn và thiếu trang bị để đối phó với những mối nguy đến từ Mali.

Về phía tây, Mauritania đang có những vấn đề của riêng mình với các nhóm Hồi giáo có liên hệ với al Qaeda. Nước láng giềng Niger về phía đông, cũng giống Mali, thường xuyên hứng chịu những cuộc nổi loạn của dân tộc Tuareg đòi li khai.

Về phía bắc, chính phủ Algeria cũng có những vấn đề riêng với al Qaeda. Trong những năm 1990, một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo và cuộc đàn áp của chính phủ nước này đã khiến ít nhất 100.000 người thiệt mạng. Các cơ sở chiến binh vẫn còn hoạt động ở vùng núi phía đông và ở vùng sa mạc sát biên giới với Mali, nơi các đoàn xe chở quân đã bị phục kích nhiều lần.

Mặc dù thù địch Pháp vì chế độ thực dân, Algeria đã thực hiện một bước chưa từng có trong vài ngày qua là cho phép các máy bay quân đội Pháp bay qua lãnh thổ để theo dõi sự di chuyển của những kẻ cực đoan. Đó là bởi vì, theo các nhà phân tích, nước này nhận thấy mối nguy hiểm ngày càng tăng của các nhóm nổi dậy hợp nhất. Để ngăn chặn các tay súng xâm nhập, Algeria đã đóng cửa biên giới với Mali và triển khai khoảng 30.000 quân đến khu vực biên giới. Mauritania cũng đã cố gắng để bảo vệ biên giới của mình.

Mali cũng có một số các tuyến đường buôn lậu sôi động nhất từ châu Phi tới châu Âu, các tuyến đường đã được các chiến binh biến thành máy rút tiền. Đã có thời, những kẻ buôn lậu ma túy từ Nam Mỹ đã bay bằng các máy bay phản lực chất đầy cocaine tới một đường băng nằm trên sa mạc xa xôi ở Mali, để đưa hàng đến châu Âu.

Những vùng sa mạc của Bắc Phi quá rộng lớn và khắc nghiệt đến nỗi mà các nhóm có kiến thức địa phương (và một đội 16 chiếc xe) có thể kiếm bộn tiền từ buôn lậu, cho dù là ma túy, con người hoặc các thứ hàng lậu khác.

2. Một vùng đất vô chính phủ


Ở Mali và xuyên suốt phần lớn Tây Phi, sự thiếu hụt của cơ quan nhà nước là điều kiện thuận lợi cho những kẻ cực đoan và các nhóm tội phạm sinh sôi. Suốt một khu vực chủ yếu là người Hồi giáo trải dài từ Địa Trung Hải tới bắc Nigeria, sự thiếu thốn và tham nhũng đang giúp tuyển dụng người cho các nhóm phiến quân Hồi giáo.

Một nhà ngoại giao Mỹ từ năm 2009 đã dẫn lời một quan chức cao cấp Algeria, Abdelmalek Guenaizia, phàn nàn rằng: "Mối quan hệ của ma túy, vũ khí và buôn lậu ở miền bắc Mali đã tạo ra một môi trường thuận lợi" cho bọn khủng bố, những người "sẽ sử dụng bất kỳ phương tiện có sẵn nào để tài trợ cho các hoạt động của họ, bao gồm tham nhũng và bắt giữ con tin"

Cuộc khủng hoảng hiện tại ở Mali đã bắt đầu hồi tháng 1/2012, khi một cuộc nổi loạn của người Tuareg nổ ra. Các sĩ quan hạng trung trong quân đội Mali sau đó đã phát động một cuộc đảo chính chống lại một chính phủ dân sự vốn được xem là yếu kém và tham nhũng, và trong một số trường hợp đã đồng loã với các nhóm phiến quân vì lợi ích tài chính của riêng mình.



Ansar Dine đã nổi lên trong cuộc hỗn loạn. Nhóm này được thành lập và lãnh đạo bởi Iyad ag Ghali, một người Tuareg cực đoan trong thời gian ở Arab Saudi. Trong khi nhóm phiến quân Tuareg chính, Phong trào Quốc gia Giải phóng Azawad (được gọi là MNLA) đã làm phần lớn việc trong lúc giao tranh ban đầu, Ansar Dine đã nắm quyền kiểm soát các thành phố như Timbuktu khi lực lượng chính phủ bỏ chạy.

Vào mùa xuân năm ngoái, Bắc Mali đã trở thành " lãnh thổ lớn nhất bị kiểm soát bởi các phần tử cực đoan Hồi giáo trên thế giới".

Khi các phiến quân Hồi giáo tiến về phía thủ đô Bamako với sức mạnh đủ để gây chuyện, Pháp đã quyết định phản ứng ngay lập tức. "Chúng ta phải ngăn chặn cuộc tấn công của quân nổi dậy, nếu không toàn bộ Mali sẽ rơi vào tay họ - tạo ra một mối đe dọa đối với châu Phi và ngay cả đối với châu Âu", Bộ trưởng ngoại giao Pháp Laurent Fabius nói.

3. Nơi "xuất khẩu" những chiến binh thánh chiến


Nguy cơ lớn nhất của chiến dịch Mali là nó sẽ thực sự nuôi dưỡng mối đe dọa mà ông Fabius lo lắng: tạo ra sự tuyển dụng các tay súng thánh chiến, tập hợp các tín hữu chống lại một kẻ thù "thập tự chinh" trong các vùng đất Hồi giáo. Hai trang web thánh chiến – Mạng Sinam al-Islam và Diễn đàn truyền thông al-Minbar Jihadi - đã kêu gọi ủng hộ các tay súng ở miền bắc Mali.

Ngoài ra, còn có nguy cơ rằng những kẻ cực đoan trong số 5 triệu người Hồi giáo ở Pháp, phần lớn trong số họ có nguồn gốc Bắc và Tây Phi, có thể tìm cách trả thù cho sự can thiệp của Pháp. Chưa đầy một năm trước, nước Pháp đã phải rất nỗ lực để ứng phó với các nhóm chiến binh sau khi một tay súng trẻ, người đã tới các vùng lãnh thổ bộ lạc Pakistan, bắn chết 7 người ở Toulouse. Tổng thống Francois Hollande đã ra lệnh thắt chặt an ninh ở những nơi công cộng.

Các nước láng giềng của Mali cũng có thể bị ảnh hưởng nếu họ ủng hộ việc can thiệp của Pháp.

Hiện có 30.000 công dân Pháp sống ở Tây Phi, trong đó 8 người đã bị các phần tử Hồi giáo cực đoan bắt giữ.

4. Linh hồn của Hồi giáo

12 năm trước, Mali là một trong 6 quốc gia đang phát triển được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G8 tại Ý và được xem như một đất nước ổn định ở châu Phi. Sau những bất ổn kinh niên trong những năm sau độc lập, nước này đạt được một sự chuyển giao quyền lực hòa bình từ một tổng thống dân cử cho tới cuộc bầu cử kế tiếp vào năm 2002 (cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 4/2012 đã không được tiến hành do hậu quả của cuộc đảo chính). Mali đã từng có một nền báo chí phát triển mạnh và các đài phát thanh sống động. Phụ nữ đã có một vai trò trong đời sống cộng đồng. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ là một phụ nữ.

Mặc dù đói nghèo và thiếu lương thực thường xuyên, người dân Mali đã có tiếng thơm về sự điều độ, sự khoan dung và bề dày lịch sử phong phú với vai trò là một trong những trung tâm trí tuệ của người Hồi giáo.


Thành phố Timbuktu (đôi khi được gọi là thành phố của 333 vị thánh) là một trung tâm tôn giáo và giáo dục hồi thế kỷ 15 và 16, và các thư viện của thành phố đã có bộ sưu tập vô giá các tài liệu và sách Hồi giáo. Các ngôi mộ và nhà thờ Hồi giáo của thành phố đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, thu hút các học giả và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.

5. Cuộc khủng hoảng nhân đạo

Hàng trăm nghìn người Mali hiện đang là những người tị nạn ở trong các trại tị nạn. Hầu hết họ đều dễ bị suy dinh dưỡng và bệnh tật. Có ít nhất 150.000 người tị nạn hiện đang ở tại các nước láng giềng. Hơn 50.000 người sống trong một trại ở Mauritania, nơi tổ chức Các bác sĩ không biên giới đã phát hiện thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng mãn tính ở trẻ em. Bệnh sốt rét và tiêu chảy đang giết chết trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, khoảng 200.000 người Mali đã chạy về phía nam để thoát khỏi những người Hồi giáo. Thậm chí mỗi ngày, họ vẫn đổ về các thị trấn như Segou khi chiến sự đang diễn ra.

Trẻ em đang được tuyển dụng như là các tay súng chiến đấu của phiến quân với lời hứa hẹn thực phẩm và một mức lương nhỏ.

Nếu không nhanh chóng kết thúc giao tranh và viện trợ nhân đạo đáng kể, một thế hệ trẻ người Mali sẽ vẫn có nguy cơ chết cao, đe dọa tương lai của đất nước.

6. Một sự "thử nghiệm" 


Mali hiện là nơi thử nghiệm hiệu quả của các hành động quốc tế chống lại các chiến binh Hồi giáo ở châu Phi – một hành động tập hợp nhiều khả năng và các nền văn hóa khác nhau và có một mục tiêu.

Nó phụ thuộc nhiều vào việc các nhóm như Ansar Dine và những nhóm khác phản ứng với cuộc tấn công như thế nào. Nếu các chiến binh phân tán vào sa mạc và quân đội Mali có thể giành lại các thị trấn chính, một phần chiến thắng có thể được tuyên bố. Nhưng nếu họ kết hợp với thường dân - như thị tộc ở Mogadishu đã làm trong năm 1992 – thì Pháp có thể tìm thấy chính nó trong một cuộc chiến tranh xấu xa của sự chiếm đóng và đánh bom tự sát, với lực lượng không đầy đủ (2.500 quân rải ra trên một diện tích rất lớn) để giữ an ninh .

Điều này sẽ làm tăng các chi phí chính trị của chiến dịch ném bom của Pháp, đẩy sự can thiệp vào cuộc chiến đô thị mà cả Pháp, Mỹ, Algeria đều không mong muốn.

Mỹ đã bày tỏ rõ ràng rằng, nước này không thể giúp đào tạo quân đội Mali cho đến khi một chính phủ được bầu hợp pháp được hình thành, nhưng Mỹ sẽ cung cấp thông tin tình báo vệ tinh và chặn đứng.

Vai trò của lực lượng châu Phi và khả năng của nó hiện chưa rõ. Các nhà ngoại giao hy vọng khoảng 3.300 quân từ 7 hoặc 8 nước thuộc ECOWAS (Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi) sẽ đến Mali trong tuần tới. Đội quân lớn nhất sẽ đến từ Nigeria và lực lượng này sẽ có một chỉ huy người Nigeria.

Họ sẽ cần không vận - đã được Anh, Bỉ và Đức hứa hẹn, trong đó Mỹ có thể tham gia - và có thể sẽ được triển khai khi các lực lượng Pháp và Mali tiến về phía bắc.

Tuy nhiên, khả năng họ có thể làm việc cùng nhau và chiến đấu còn bị hoài nghi. Họ đã không được đào tạo cùng nhau, có tổ chức và ngôn ngữ khác nhau. Ngoài ra, một số đội còn không có nhiều hơn 100 quân.

Thậm chí nếu Ansar Dine và các nhóm thánh chiến khác bị đập tan, quân đội và các tổ chức chính trị của Mali đã bị suy yếu nhiều bởi bất ổn trong năm qua và dân số cũng bị suy nhược. Câu hỏi về Tuareg vẫn chưa được giải quyết khi những người miền Nam bây giờ càng thêm thù địch với những người Tuareg ly khai.

Tổng thống Hollande đã cam kết lực lượng Pháp sẽ không rời đi cho đến khi Mali có an ninh, chính quyền hợp pháp, quy trình bầu cử và không còn khủng bố.

Nhưng những ngày vừa qua mới là những ngày đầu của chiến dịch quân sự của Pháp được đặt tên là Serval. Serval là một giống mèo sa mạc nhanh nhẹn. Nhưng nó cũng là một loài có nguy cơ tuyệt chủng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
6 lý do khiến phương Tây quan tâm tới Mali

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.