Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những chiến binh Hamas

Kim Phượng| 09/08/2014 07:29

(HNM) - Cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza (nằm dưới sự quản lý của Phong trào Hồi giáo Hamas) đã biến Trung Đông thành một trong những điểm nóng nhất thế giới. Dẫu cuộc xung đột này đã kéo dài nhiều năm, nhưng sự ra đời và phát triển của Hamas không phải ai cũng tường tận.

Là một tổ chức chiến binh Hồi giáo chính thống, Hamas là từ viết tắt cho Harakat al-Muqawama al-Islamiya (Phong trào Kháng chiến Hồi giáo). Trong tiếng Arab, Hamas có nghĩa là "nhiệt huyết". Hamas phát triển từ Tổ chức Anh em Hồi giáo - một tổ chức tôn giáo - chính trị được thành lập tại Ai Cập và có chi nhánh tại tất cả các nước Arab. Từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, Sheikh Ahmed Yassin - người sáng lập và lãnh tụ tinh thần của Hamas - bắt đầu truyền đạo và tiến hành các hoạt động từ thiện tại Dải Gaza và khu Bờ Tây (lúc đó đang bị Israel chiếm đóng sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967). Năm 1973, ông Yassin lập ra Trung tâm Hồi giáo để điều phối các hoạt động chính trị của Anh em Hồi giáo tại Gaza. Sau khi người Palestine tiến hành cuộc nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Israel lần thứ nhất vào tháng 12-1987, ông Yassin cho ra đời tổ chức có tên gọi Hamas nhằm tạo thêm phương tiện chính trị cho Anh em Hồi giáo tại khu vực. Năm 1988, Hamas đã công bố Hiến chương hoạt động, chính thức tách khỏi đường lối hoạt động phi bạo lực của Anh em Hồi giáo và theo đuổi con đường kháng chiến vũ trang. Mục tiêu cao nhất của họ là giải phóng Palestine khỏi sự chiếm đóng của Israel.

Từ đó trở đi, các hoạt động của Hamas mang màu sắc đấu tranh bạo lực. Vụ đánh bom liều chết đầu tiên do Hamas tiến hành xảy ra vào tháng 4-1993 và cho đến nay, Hamas vẫn giữ lập trường không công nhận sự tồn tại của Nhà nước Do Thái. Hamas liên tục tiến hành các cuộc tấn công vào Israel như: Đánh bom liều chết, bắn rocket để trả đũa các hành động đàn áp của Israel đối với người Palestine. Hamas còn tiến hành các vụ tấn công chống lại quân đội và người định cư Israel tại cả khu Bờ Tây sông Jordan và Dải Gaza. Vì thế, nhóm này bị gán cho cái tên tổ chức Hồi giáo cực đoan, quá khích. Chưa có số liệu chính xác về lực lượng của Hamas nhưng con số này được xem vào khoảng 20.000 người, gồm cả quân chính quy và người hỗ trợ. Ngoài ra còn có hàng nghìn người ủng hộ và tình nguyện viên. Đối tượng tuyển mộ của Hamas chủ yếu là thanh thiếu niên và những người nghèo.

Hamas chủ yếu hoạt động tại Dải Gaza và khu Bờ Tây cũng như Đông Jerusalem. Sau khi tẩy chay bầu cử trong nhiều năm, Hamas lần đầu tiên tham gia bầu cử Quốc hội Palestine năm 2006. Dưới tên đảng Cải cách, Hamas đã giành chiến thắng vang dội, chiếm đa số ghế trong Hội đồng Lập pháp Palestine. Lãnh đạo Hamas Ismail Haniya được bổ nhiệm làm Thủ tướng Palestine. Nhưng chỉ một năm sau đó, ông này đã bị sa thải khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas giải tán chính phủ vì Hamas chiếm các cơ sở của chính quyền Palestine tại Gaza. Tuy nhiên, ông I.Haniya đã bác bỏ hành động này của ông M.Abbas và trên thực tế, ông vẫn tiếp tục giữ vai trò thủ lĩnh chính trị ở Gaza cho đến khi Hamas và Fatah nhất trí thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc mới đây.

Dù luôn bị Mỹ, Israel và Liên minh Châu Âu (EU) coi là một tổ chức khủng bố, nhưng hoạt động của Hamas không cho thấy rõ ràng điều đó khi họ không bao giờ thực hiện các vụ tấn công nhằm vào bất kỳ một quốc gia nào ngoài Israel. Theo ước tính, ngân sách hằng năm của Hamas vào khoảng 70 triệu USD, phần lớn từ các nhà tài trợ Palestine đang sinh sống tại Arab Saudi và một số nước thuộc vùng Vịnh. Hamas không chỉ dùng số tiền này cho các hoạt động quân sự mà còn chi cho việc phát triển các dịch vụ xã hội; tài trợ cho các trường học, cô nhi viện, nhà thờ Hồi giáo, các cơ sở y tế, các hoạt động thể thao… Chính một học giả Israel - ông Reuven Paz cũng thừa nhận điều này và cho biết: "Có tới 90% hoạt động của Hamas tập trung vào dịch vụ, phúc lợi xã hội, văn hóa và giáo dục…".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chiến binh Hamas

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.