Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc khoải "cuộc sống với một đô la mỗi ngày"

Tuấn Kiệt| 18/10/2014 10:13

(HNMO) - Cứ 6 người trên thế giới thì có 1 sống ở dưới mức nghèo khổ chỉ với một đô la (khoảng 20.000 đồng) cho mỗi ngày.


Một chiến dịch từ thiện đã được triển khai toàn cầu có tên gọi Forgotten International (tạm dịch: Thế giới bị lãng quên) trong đó khắc hoạ rõ nét sự cách biệt giàu nghèo nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với sự nghèo đói, để từ đó giảm bớt phần nào sự nghèo khổ, cho cuộc sống tốt hơn.

Chiến dịch đã cho ra đời cuốn sách ảnh mang tiêu đề “Living on a Dollar a Day: The Lives and Faces of the World's Poor” (Sống bằng một đô la mỗi ngày: Những cuộc đời và chân dung nghèo khó). Cuốn sách đã giành giải thưởng sách tài liệu hay nhất của IPA năm 2014.

Sách do Thomas A Nazario biên soạn, anh đã sử dụng ảnh từ bộ tác phẩm của nhiếp ảnh gia Renée C Byer từng đoạt giải Pulitzer. Cuốn sách dày 348 trang với hơn 200 hình ảnh, biểu đồ và đồ họa cung cấp những thông tin sửng sốt, kích thích sự quan tâm của nhân loại về sự đói nghèo toàn cầu.

Để thực hiện ý tưởng của mình, Renée C. Byer đã đi qua 10 nước, tìm hiểu kĩ về con người và văn hóa của từng vùng đất và kết quả gặt hái chính là những khung hình vô giá này:

Jestina Koko, 25 tuổi, cùng con gái Satta Quaye, 5 tuổi. Cô bị liệt từ khi ba tuổi. Koko sống bằng ngh giặt thuê, bán bánh trên đường phố, thậm chí ăn xin tại Monrovia, Liberia. Cả hai mẹ con đều bị bệnh sốt rét. Cô mong muốn có một xe lăn, một phòng riêng để sống và cho con gái đi học. Nhưng thực tế là họ phải ngủ trong hành lang của một ngôi nhà không có điện, nhà vệ sinh, không nước sinh hoạt.


Tại một bãi chứa chất thải điện tử có thể tiêu diệt gần như mọi thứ mà nó dính vào, Fati, 8 tuổi, làm việc với những đứa trẻ khác, đào bới đống chất thải nguy hại trong hy vọng tìm thấy bất cứ thứ gì có thể bán lấy vài đồng để tồn tại. Đội một chiếc xô trên đầu, cô bé đã khóc, nước mắt tuôn rơi trên khuôn mặt của cô bé là kết quả của nỗi đau bệnh tật trên thể xác và thương tổn tâm hồn.


Cô bé Ana-Maria Tudor 4 tuổi đang đứng trước nguy cơ phải rời khỏi căn nhà thuê tồi tàn của mình ở thủ đô Bucharest, Romania. Cha bé bị phẫu thuật túi mật, đau ốm triền miên nên không thể đi làm kiếm tiền cho gia đình.


Hunupa Begum, 13 tuổi, bị mù trong 10 năm qua, cô bé sống gần Nizamudin Bangala Masjid (nhà thờ Hồi giáo) tại New Delhi, Ấn Độ. Xin tiền người qua đường là nguồn thu nhập duy nhất cho gia đình bé gái này bao gồm một cậu em Hajimudin Sheikh (giữa), 6 tuổi, bị bệnh não úng thuỷ và mẹ em Manora Begum (phải), 35 tuổi, bị bệnh hen suyễn và u tử cung, không thể lao động. Cha của Begum đã chết cách đây hơn chục năm vì bệnh lao. Xe lăn của cô bé được tặng bởi một người qua đường. 


Trong khu ổ chuột Charan ở miền bắc Ấn Độ, Kalpana, 20 tuổi, bỏ đói một trong những đứa con của cô là Sangeeta, 2 tuổi, trong khi em gái của nó là Sarita, 5 tháng tuổi, ngủ ngặt nghẽo trong vòng tay của mẹ. Sangeeta bị suy dinh dưỡng nặng, chỉ nặng chưa tới 5kg. Sangeeta đã được sự giúp đỡ của các phòng khám từ thiện. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, trên thế giới có 19.000 trẻ em "không may mắn" như Sangeeta đã chết mỗi ngày do các nguyên nhân có thể phòng ngừa. 


Phay Phanna, 60 tuổi, bị mất chân trong một vụ tai nạn năm 1988. Ông là một người góa vợ và là người lớn duy nhất trong gia đình có 11 trẻ em ở trong ngôi nhà cũng chẳng phải của ông sở hữu ở Phnompenh, Campuchia. 


Labone, 27 tuổi, làm việc trong một nhà thổ ở Jessore, Bangladesh. Cô đã rất vất vả nuôi đứa con gái nhỏ Nupur, 1 tuổi, là giọt máu của một khách hàng. 


Mỗi ngày, cậu bé Alvaro Kalancha Quispe, 9 tuổi, đi thả đàn lạc đà của gia đình trước khi đi học. Sau đó, em lại lùa chúng vào chuồng vào mỗi tối. Cậu sống cùng gia đình ở dãy núi Akamani của Bolivia ở độ cao gần 4.000 mét so với mặt nước biển. Điều kiện sống ở đây khá khó khăn: không điện nước, không giường ngủ, các ngôi nhà biệt lập nhau.


Các trang bìa của "Sống với một đô la mỗi ngày".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc khoải "cuộc sống với một đô la mỗi ngày"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.