Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vị tổng thống “tù tội”

Đức Luân| 18/01/2015 05:58

(HNM) - Dù đang phải thụ án 25 năm tù giam vì



Theo phán quyết của tòa án, ông A.Fujimori, 76 tuổi, đã biển thủ hàng chục triệu USD từ ngân quỹ quân sự để vận động các tờ báo đưa thông tin bất lợi nhằm bôi nhọ uy tín của các đối thủ chính trị cũng như bơm tiền cho chiến dịch tái tranh cử của mình hồi năm 2000. Ông cũng bị yêu cầu phải bồi thường 1 triệu USD liên quan đến các tổn thất dân sự.

Cựu Tổng thống Alberto Fujimori. (Nguồn; AP)


Đây là phiên tòa thứ 5 xét xử cựu Tổng thống A.Fujimori kể từ khi ông này trở về Peru năm 2007. Trước đó, trong hai phiên đầu tiên, chính khách này đã bị kết án lần lượt là 6 và 7 năm tù giam vì tội lạm dụng chức quyền và tham nhũng. Tháng 4-2009, ông lại bị kết án 25 năm tù vì liên quan việc thành lập "đội quân tử thần" khiến 25 người thiệt mạng hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước, thời điểm chính phủ của ông đang đương đầu với lực lượng nổi dậy. Tháng 9-2009, với tội danh hối lộ nghị sĩ, lạm dụng ngân quỹ công để mua một kênh truyền hình, đặt máy nghe lén điện thoại các nhân vật đối lập, nhà báo cùng các doanh nhân, cựu tổng thống lại bị kết án thêm 6 năm tù giam. Tuy nhiên, những án phạt trên chỉ mang tính biểu tượng bởi luật pháp Peru quy định không cộng dồn các án phạt mà các phạm nhân sẽ phải chịu án phạt cao nhất ở cùng thời điểm. Hiện ông A.Fujimori vẫn đang phải thụ án phạt cao nhất là 25 năm tù giam.

Là con một gia đình Nhật di cư đến quốc gia Nam Mỹ từ trước Chiến tranh thế giới II, ông A.Fujimori giữ hai quốc tịch Nhật và Peru. Năm 1990, ông bất ngờ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Peru trước đối thủ là nhà văn nổi tiếng thế giới Mario Vargas Llosa. Sau khi lên làm tổng thống, ông A.Fujimori thực hiện nhiều cải cách quan trọng, đưa Peru thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị dưới thời của người tiền nhiệm Alan Garcia. Tỷ lệ ủng hộ đối với chính phủ không ngừng tăng. Tuy nhiên, sau khi ông giải tán quốc hội, "treo" hiến pháp và đình chỉ bộ máy tư pháp, ông lại vấp phải những chỉ trích về việc có tính cách của một nhà độc tài.

Trong cuộc chạy đua nhiệm kỳ tổng thống thứ ba vào năm 2000, ông A.Fujimori bị chỉ trích kịch liệt về lạm quyền và đối mặt với thách thức mạnh mẽ từ Alejandro Toledo, một giáo sư kinh doanh. Trong cuộc tranh cử vào tháng 4, không ứng cử viên nào giành được 50% số phiếu và cuộc bầu cử được tổ chức lại. Tuy nhiên, ông A.Toledo đã tẩy chay bầu cử vì cho rằng có gian lận và ông A.Fujimori tái đắc cử. Thế nhưng, quyền lực của ông A.Fujimori bị suy chuyển nghiêm trọng vào tháng 9-2000, khi người đứng đầu cơ quan tình báo của ông là Vladimiro Montesinos dính bê bối tham nhũng. Sau khi sa thải Montesinos, ông A.Fujimori kêu gọi bầu cử tổng thống sớm vào tháng 4-2001 và hứa không tranh cử nữa.

Thế nhưng, ngày 16-11-2000, Tổng thống A.Fujimori đang dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Brunei, các đảng đối lập đã chiếm quyền kiểm soát Quốc hội. Ngày hôm sau, ông A.Fujimori rời Brunei để bay sang Nhật Bản sống lưu vong và thông báo từ chức tổng thống. Tuy nhiên, Quốc hội Peru đã bác đơn từ chức và bỏ phiếu phế truất ông. Năm 2005, ông bất ngờ đến Chile, quốc gia láng giềng của Peru, để khôi phục lại tham vọng chính trị. Tuy nhiên, tại đây, ông A.Fujimori đã bị quản thúc, bị dẫn độ về Peru vào ngày 22-9-2007 rồi 5 lần bị đưa ra xét xử trước tòa án và dành phần đời còn lại sau song sắt nhà tù.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vị tổng thống “tù tội”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.