Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vụ bê bối tài chính mang tên HSBC

Tuấn Minh| 15/02/2015 06:27

(HNM) - Nền tài chính thế giới đang bị rúng động bởi vụ bê bối tại Tập đoàn Ngân hàng HSBC của Anh chi nhánh tại Thụy Sĩ.



Theo thông tin được tiết lộ, ngân hàng này đã giúp nhiều khách hàng giàu có trốn thuế với số tiền lên tới nhiều triệu USD. Thông tin trên vừa được Tổ chức Phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) công bố trong một loạt hồ sơ mật.

Người có công lớn trong việc phanh phui vụ bê bối này là Herve Falciani, cựu chuyên gia công nghệ thông tin của HSBC. Herve phụ trách lưu giữ dữ liệu tài chính và các tệp thông tin cá nhân của khách hàng. Sau khi phát hiện điều bất ổn trong số tài liệu thu thập, Herve đã nộp dữ liệu cho Chính phủ Pháp và chuyển tới Pháp sinh sống trong chương trình bảo vệ nhân chứng năm 2007. Sau khi Bộ trưởng Tài chính Pháp khi đó là bà Christine Lagarde công bố các tài liệu này vào năm 2010, cảnh sát Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bỉ, Mỹ và Argentina đã tiến hành một loạt vụ bắt giữ. Tuy nhiên đến nay, HSBC vẫn chưa phải chịu một lời cáo buộc nào từ Chính phủ Anh. Vụ bê bối của HSBC bắt đầu “nóng” lên khi mới đây Báo Le Monde (Pháp), The Guardian (Anh)… công bố các tài liệu mật do ICIJ cung cấp.

Tiết lộ mới nhất cho thấy, chi nhánh HSBC tại Thụy Sĩ đã cung cấp tài khoản cho một số đối tượng gồm: Doanh nhân, chính khách và nhiều nhân vật thế lực bị buộc tội tham nhũng. Hồ sơ nêu tên nhiều cựu chính khách và chính khách đương nhiệm của Anh, Nga, Ấn Độ, Saudi Arabia, Bahrain, Jordan, Morocco và một loạt nước Châu Phi. Những khách hàng này có số tiền trong tài khoản tổng cộng lên tới 119 tỷ USD. Theo ICIJ, tập đoàn ngân hàng khổng lồ của Anh đã được lợi nhờ làm ăn với những công ty buôn bán vũ khí từng cung cấp súng cối cho binh lính ở Châu Phi, những kẻ buôn bán kim cương trái phép và nhiều tội phạm quốc tế khác. Một số ghi chép trong các tệp hồ sơ trên còn cho thấy, nhân viên của HSBC tại chi nhánh Thụy Sĩ đã biết trước ý định của khách hàng che giấu thu nhập trước giới chức địa phương. Trong một cuốn sổ ghi nhớ khác, một nhà quản lý của HSBC còn tranh luận cách thức giúp một khách hàng đóng trụ sở ở London (Anh) và đối tác của người này trốn thuế ở Italia.

Chi nhánh tại Thụy Sĩ của HSBC mới đây cho hay, số tài khoản mở tại ngân hàng này đã giảm từ 30.412 tài khoản hồi năm 2007 xuống còn 10.343 tài khoản tính đến cuối năm 2014. Ngân hàng cho biết, họ đang hợp tác với các nhà chức trách trong việc điều tra liên quan đến vấn đề thuế. Thời gian qua, HSBC đã trở thành đối tượng điều tra của nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Pháp, Bỉ... vì bị nghi ngờ tiếp tay cho hành vi trốn thuế và tiến hành hoạt động gian lận tài chính có tổ chức. Năm 2012, HSBC từng phải nộp phạt số tiền cao kỷ lục 1,9 triệu USD liên quan một vụ rửa tiền lên tới hàng trăm triệu USD cho một số băng đảng ma túy ở Mexico. Nhiều thông tin cũng cho thấy, HSBC đang kinh doanh thuận lợi tại thiên đường trốn thuế ở đảo Cayman, trong khi báo cáo của Thượng viện Mỹ khẳng định ngân hàng được thành lập vào năm 1865 này còn có giao dịch mờ ám với một số quốc gia bị Mỹ trừng phạt kinh tế. Trong tổng số hơn 28.000 giao dịch đáng ngờ từ năm 2001 đến 2007 có giá trị tới 19,7 tỷ USD của HSBC, phần lớn đều liên quan đến Iran.

HSBC hiện chưa bình luận về những thông tin trên. Tuy nhiên, bê bối này đang châm ngòi cho các cuộc tranh cãi chính trị tại Anh. Hai chính đảng Bảo thủ và Công đảng của xứ sở Sương mù đang đổ trách nhiệm cho nhau về việc trước đó đã không hành động thỏa đáng để ngăn chặn tình trạng trốn thuế. Công đảng - đảng đối lập của Anh đang hy vọng giành chiến thắng tại cuộc tổng tuyển cử tại nước này ngày 7-5 tới - đang đối mặt với những cáo buộc rằng họ đã không hành động đủ mạnh để ngăn chặn nạn trốn thuế khi Chính phủ Anh do Công đảng lãnh đạo nắm quyền điều hành đất nước (từ năm 1997 đến năm 2010).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vụ bê bối tài chính mang tên HSBC

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.