Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Rồng lửa” của Nga

Đức Luân| 03/05/2015 07:05

(HNM) - Việc Nga sẽ bán tổ hợp phòng không S-300 cho Iran đánh dấu một giai đoạn mới trong chính sách hướng Trung Đông của xứ sở Bạch dương, sau khi P5+1 (Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Mỹ) và Iran đã đạt được một thỏa thuận tạm thời về chương trình hạt nhân của Tehran.

Tổ hợp tên lửa phòng không S300



Được xem là một trong những hệ thống tên lửa hàng đầu của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và độ cao lên tới 27km. S-300 được thiết kế để bảo đảm an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nước Nga. Do Tổng công ty Khoa học công nghiệp Almaz-Antey của Nga sản xuất, hệ thống tên lửa S-300 có thể đồng thời theo dõi 100 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 mục tiêu trong số đó. Ở những phiên bản S-300PMU1/2 trở về sau, khả năng của radar được tăng cường, theo dõi đến 300 mục tiêu và xử lý cùng lúc tới 72 mục tiêu. Thời gian để triển khai S-300 là 5 phút, đạn tên lửa được đặt trong những ống kim loại kín và không cần bảo trì trong suốt quá trình sử dụng.

Lần đầu tiên được Liên Xô (cũ) triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga xem là "con cưng" và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất trên thế giới. Đây cũng là một trong những loại tên lửa mà nhiều nước muốn có để bảo vệ cho vùng trời của họ. Theo nhận định từ các chiến lược gia quân sự, S-300 là hệ thống tên lửa đất đối không đa năng "bất khả chiến bại". Bàn về sức mạnh của S-300, một số chuyên gia nhận định nó có nhiều tính năng còn ưu việt hơn cả hệ thống MIM-104 Patriot của Mỹ. Một phi công thuộc đơn vị Thủy quân Lục chiến Mỹ bình luận rằng, việc Iran có hệ thống S-300 sẽ là "quân bài thay đổi cuộc chơi đối với tất cả các mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 như F-15, F-16 hay F/A-18".

Iran hiện đang thiếu hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến để có thể đánh gục chiến đấu cơ hiện đại của Mỹ hoặc lực lượng không quân Israel. Nếu thỏa thuận giữa Nga và Iran hoàn thành, S-300 sẽ giúp Tehran trở nên bất khả xâm phạm trước đòn tấn công của hầu hết các loại máy bay tiên tiến từ Mỹ. Về cơ bản, sự hiện diện của S-300 sẽ khiến các động thái quân sự chống lại Iran gặp khó khăn. Đặc biệt, chiến đấu cơ Mỹ sẽ gặp không ít trở ngại khi nhắm vào hệ thống này bởi các máy bay tàng hình của Washington không thể bay an toàn trên không phận Iran. Mặt khác, tính cơ động của S-300 khiến nhiệm vụ của các chiến đấu cơ Mỹ càng trở nên khó khăn. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia quân sự vẫn nhận định: Dù S-300 sẽ nâng cao đáng kể khả năng phòng không của Iran, nhưng hiện vẫn chưa rõ loại tên lửa này có thể tiêu diệt được máy bay tàng hình F-22 và máy bay ném bom của Mỹ hay không.

Hiện có khá nhiều quốc gia trên thế giới sở hữu hệ thống S-300 của Nga, chủ yếu là ở Đông Âu và Châu Á, trong đó có Ukraine, Hy Lạp, Syria, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam… Ngay cả Mỹ cũng đã từng mua một hệ thống S-300 của Nga năm 1993 để đánh giá, áp dụng công nghệ nhằm nâng cấp các hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Rồng lửa” của Nga

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.