Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Sát thủ" của các hệ thống phòng thủ tên lửa

Phương Quỳnh| 22/03/2015 07:21

(HNM) - Mới đây, một số nguồn tin của Nga cho biết, nước này chuẩn bị đưa vào thử nghiệm sơ bộ loại tên lửa liên lục địa Sarmat trong năm 2015. Sau khi hoàn tất quá trình thử nghiệm ban đầu, Sarmat sẽ được thử nghiệm ở quy mô toàn diện chính thức trong năm 2016 hoặc 2017.

Một tên lửa đạn đạo triển khai dưới hầm silo của Nga (Ảnh minh họa)



Nếu thành công, đây sẽ là "đối thủ" đáng gờm đối với bất kỳ loại tên lửa đạn đạo nào trên thế giới. Hệ thống tên lửa chiến lược mới Sarmat đang được các hãng công nghiệp Nga dẫn đầu là Trung tâm Tên lửa quốc gia mang tên Viện sĩ Makeyev hợp tác phát triển. Chi phí sản xuất các tên lửa Sarmat mới nằm trong kế hoạch 700 tỷ USD dành cho lực lượng vũ trang Nga giai đoạn đến năm 2020.

Theo tiết lộ của Tư lệnh bộ đội Tên lửa chiến lược Nga, Thượng tướng Sergei Karakayev, quân đội Nga sẽ nhận được tên lửa đạn đạo hạng nặng mới Sarmat vào năm 2018-2020 để thay cho tên lửa xuyên lục địa siêu khủng Voyevoda mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương vẫn hay gọi là Satan. Trong quá trình nghiên cứu chế tạo, Sarmat sẽ tập hợp những yêu cầu cao nhất để có thể đạt được trình độ phát triển của công nghiệp quốc phòng Nga đối với các hệ thống tên lửa chiến lược tương lai.

Có thông tin cho rằng, tên lửa đạn đạo loại mới có sử dụng nguyên liệu rắn, mang theo những đầu đạn độc lập, khả năng sử dụng các hệ thống và phương pháp đột phá phòng không mới, giúp nó có thể đổi đường bay để chống lại khả năng đánh chặn của đối phương và rất có thể là một biến thể của siêu tên lửa Topol-M. Một ưu điểm nữa của Samat là có khả năng chiến đấu cao nhờ tính linh hoạt di chuyển được, thay vì bệ phóng cố định như Voyevoda. Sarmat có trọng lượng có thể lên tới 100 tấn, trong đó trọng lượng đầu đạn 4,3 tấn. Với tầm bắn khoảng 10.000km. Sarmat được xem là tên lửa đạn đạo "sát thủ" đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa, vì không có một hệ thống nào hiện nay có thể ngăn chặn nó. Vũ khí chiến lược mới của Nga được xem là để đối chọi với hệ thống tấn công chớp nhoáng toàn cầu (PGS - Prompt Global Strike) mà Mỹ đang theo đuổi và dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2016.

Các chuyên gia quân sự nhận định, cho đến nay Sarmat là hệ thống vũ khí "độc nhất vô nhị", chưa tìm được đối thủ "xứng tầm", kể cả của Mỹ khi có khả năng bay qua Bắc Cực và Nam Cực, sử dụng nhiên liệu đẩy rắn, mang theo đầu đạn phân tách tiên tiến và có thể phóng từ các bệ phóng cơ động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Sát thủ" của các hệ thống phòng thủ tên lửa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.