Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người nổi tiếng từng là điệp viên trong Chiến tranh thế giới II

An Hy| 05/10/2015 04:23

(HNMO) - Được thành lập trong thế chiến thứ hai, đã có lúc Cơ quan phục vụ chiến lược (0SS) – tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA - sử dụng tới hàng nghìn điệp viên (đỉnh điểm là năm 1944 với 13.000 người). Trong số đó, có những nhân vật nổi tiếng như Moe Berg, cầu thủ bóng chày kì cựu hay Julia Child, bà hoàng không ngai của làng ẩm thực Mỹ.


Moe Berg. Ảnh: Getty Images.


Trước nay, các vận động viên thể thao thường không được đánh giá cao về trí thông minh cũng như khả năng học thuật. Tuy nhiên, Moe Berg là một trường hợp ngoại lệ. Moe Berg được coi là cầu thủ quyến rũ nhất của mọi thời đại. Từng giữ vị trí bắt bóng cho rất nhiều đội trong suốt những năm 1920-1930, ông không chỉ là một cầu thủ đặc biệt xuất sắc mà còn được mệnh danh là “người đàn ông thông minh nhất của làng bóng chày”. Moe Berg có thể đọc vô số báo mỗi ngày, thậm chí còn xuất hiện trên các cuộc thi truyền hình. Trong thời gian thi đấu chuyên nghiệp, ông còn hoàn thành xong một tấm bằng luật ở trường Đại học Columbia và tự học tới 12 thứ tiếng.

Năm 1943, không lâu trước khi Chiến tranh thế giới II kết thúc, Berg hoạt động tình báo ở Châu Âu cho OSS với nhiệm vụ thu thập thông tin về kế hoạch chế tạo bom nguyên tử của Đức Quốc xã. Tháng 12/1944, ông được cử tới Thụy Sĩ để ám sát nhà vật lý người Đức nổi tiếng Werner Heisenberg, người mà giới chức Mỹ nghi là đã chỉ đạo quá trình chế tạo bom nguyên tử cho Adolf Hitler. Tuy nhiên, Berg đã quyết định ngừng tiến hành cuộc ám sát sau khi xác nhận rằng Đức Quốc xã không có khả năng thành công trong kế hoạch hạt nhân của mình. Moe Berg được đánh giá là một người đàn ông bí ẩn nhưng vô cùng thông minh, và cũng là một trong số những nhân vật thú vị nhất trong nền thể thao Mỹ.

Graham Greene: Tác giả "Người Mỹ trầm lặng" hoạt động cho Cơ quan Tình báo MI6 của Anh

Graham Greene. Ảnh: Getty Images.


Graham Greene là tiểu thuyết gia nổi tiếng người Anh. Ông sinh tại Berkhamsted, Hertfordshire, là con của một hiệu trưởng, và theo học Đại học Oxford. Năm 1941, ông trở thành điệp viên cho MI6, Cơ quan Tình báo bí mật của Anh. Ông được giao hoạt động hơn một năm ở Freetown, Sierra Leone, miền Đông châu Phi với nhiệm vụ tìm kiếm tàu chở kim cương và tài liệu trái phép từ châu Phi đến Mỹ. Năm 1943, ông quay trở về Anh và trở thành cấp dưới của Harold “Kim” Philby, thiên tài tình báo từng là điệp viên hai mang của cả Anh và Liên Xô. 


Về sự nghiệp văn chương, Graham Greene khởi đầu với những sách thuộc loại “giải trí” và hành động, như truyện gián điệp. Dần dà, ông mới chuyển qua thể loại “tiểu thuyết,” nổi tiếng nhất là “The quiet American” (Người Mỹ trầm lặng – 1955), từng được dựng thành phim hợp tác với điện ảnh Việt Nam.

Josephine Baker: “Viên ngọc đen” là gián điệp tài ba của Pháp

Josephine Baker. Ảnh: Getty Images.


Bên cạnh sự nghiệp diễn xuất và vũ công, Josephine Baker còn là một gián điệp tài ba của Pháp trong Chiến tranh thế giới II. Josephine Baker sinh ngày 3/6/1906 tại St. Louis, Missouri. Khi 15 tuổi, bà chuyển đến New York, Mỹ sinh sống và bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật. Bà là một vũ công và diễn viên hài người Mỹ từng được Ernest Hemingway miêu tả là “người phụ nữ nhạy cảm nhất trong lịch sử” với các mật danh “Thần vệ nữ”, “viên ngọc đen” hay “Nữ thần Créole”. Năm 1925, bà bắt đầu phát triển sự nghiệp ở Pháp và dần trở thành một trong những nghệ sĩ người Mỹ thành công nhất tại quốc gia này.

Trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới II, nữ diễn viên tài năng này đã làm điệp viên cho Pháp và cung cấp nhiều tin tình báo giá trị. Do đặc thù công việc của người nghệ sĩ thường xuyên đến nhiều nơi biểu diễn, ngôi sao quyền lực Josephine đã bí mật chuyển tin tình báo cho Pháp thông qua những bản nhạc mà quân địch không hề hay biết. Những thông tin mật đó dễ dàng vượt qua hàng rào an ninh và mạng lưới tình báo của các nước do những bản đồ, tài liệu quan trọng được viết bằng một loại mực đặc biệt. Trước vẻ đẹp và tài năng của Josephine, binh lính Đức đã say đắm nữ vũ công và dễ dàng cho nàng đi qua biên giới mà không hề hay biết nữ gián điệp này mang trong mình những lá thư tuyệt mật. Thậm chí, Josephine còn lấy được nhiều thông tin mật khi các quan chức Đức và nước ngoài xem buổi biểu diễn của bà. Nữ gián điệp đã cố lắng nghe cuộc nói chuyện của các quan chức và lấy những thông tin giá trị rồi bí mật chuyển cho cơ quan tình báo Pháp.

Josephine có tất cả những phẩm chất cần thiết cho một điệp viên. Đó không chỉ là danh tiếng và sức cuốn hút đối với tất cả những ai tiếp xúc, mà còn là trí tuệ sâu sắc, khiếu hài hước tuyệt vời. Sau khi chiến tranh kết thúc, Josephine là nữ gián điệp người Mỹ đầu tiên được trao tặng Huy chương Danh dự Pháp vì những cống hiến của mình.

Roald Dahl: Tác giả cuốn sách thiếu nhi ăn khách nhất từng là điệp viên cho Anh

Roald Dahl. Ảnh: Getty Images.


Trước khi trở nên nổi tiếng với cuốn truyện “Charlie và nhà máy sô cô la” (từng được chuyển thể thành phim), ít ai biết rằng Roald Dahl, một trong những cây bút viết cho thiếu nhi thành công nhất tại Anh trong thế kỷ 20, từng là điệp viên của Anh hoạt động ở Washington, Mỹ.

Sở hữu khuôn mặt điển trai hút hồn, vầng trán cao, đôi mắt sâu thăm thẳm và đặc biệt là tài ăn nói khéo léo, Roald Dahl vào vai một chàng trai hào hoa phong nhã thâm nhập vào giới thượng lưu Mỹ, quyến rũ các quý bà giàu có hay giao du với giới chính trị gia để khai thác thông tin mật.

Nhà văn này không những sở hữu ngoại hình lý tưởng mà còn có tài năng thiên bẩm trong nhiều lĩnh vực. Ông xuất thân từ lực lượng không quân hoàng gia Anh nên có những kỹ năng chiến đấu cực tốt, tinh thông nhiều môn thể thao. Thời gian về sau lại trải qua những khóa huấn luyện đặc biệt của BSC (Cơ quan điều phối an ninh Anh), Dahl trở thành một tình báo viên lợi hại, đa tài, thậm chí ông còn thông thuộc cả những mánh khóe của thế giới ngầm.

Trong mạng lưới tình báo đặc biệt đó, Roald Dahl còn sát cánh với những cái tên lừng danh khác như David Ogilvy và đặc biệt là nhà văn Ian Flemming, "cha đẻ" của tiểu thuyết James Bond - điệp viên 007 huyền thoại.

Julia Child: Đầu bếp hàng đầu nước Mỹ từng là điệp viên tình báo cho OSS

Julia Child. Ảnh: Getty Images.



Những ai đam mê ẩm thực chắc chắn không còn lạ gì với cái tên Julia Child, đầu bếp hàng đầu nước Mỹ – người đã đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển ẩm thực nước này. Julia Child vẫn luôn được công nhận như một trường hợp hi hữu, một huyền thoại độc nhất vô nhị của thế giới ẩm thực với niềm đam mê bếp núc bất tận, vượt qua mọi rào cản đẳng cấp lẫn giới tính hà khắc đương thời. Tuy nhiên, ít ai biết rằng bà cũng là một điệp viên từng hoạt động cho OSS trong một thời gian dài.

Khi Chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, bà xung phong gia nhập Hội Chữ thập đỏ Mỹ (ARC). Sau đó, do thông thạo nhiều thổ ngữ và am hiểu lịch sử nhiều quốc gia châu Á, bà được OSS tuyển dụng dưới lốt nhân viên ARC. Năm 1942, Julia được OSS giao nhiệm vụ đến thành phố Kandy của Sri Lanka để tổ chức mạng lưới điệp báo của OSS tại Nam Á chuyên thu thập thông tin về các hoạt động quân sự của phát xít Nhật. Dưới lốt nhân viên ARC, Julia tiến hành cứu trợ nhân đạo tại nhiều địa phương ở Sri Lanka, Ấn Độ và cả Myanmar nhưng thực chất là để tuyển mộ các cộng tác viên là dân địa phương hoạt động tình báo.

Các nguồn tin tình báo do mạng lưới điệp báo được Julia gây dựng đã tạo điều kiện cho quân đội Mỹ nâng cao hiệu quả tác chiến trên mặt trận Thái Bình Dương, nhất là sự phối hợp tấn công của hải, lục, không quân vào các cứ điểm, các hoạt động vận chuyển quân sự của quân Nhật. Không những phát triển mạng lưới điệp báo tại Nam Á, Julia còn nghiên cứu phát triển nhiều kỹ thuật tình báo sao cho phù hợp với hoạt động điệp báo nằm vùng tại các khu vực nhiệt đới.

Khi chiến tranh đi vào giai đoạn cuối, Julia là một trong những điệp viên OSS được phái đến Trung Quốc để xây dựng mạng lưới điệp báo tại các thành phố lớn như Nam Kinh, Thượng Hải... nhằm thu thập thông tin về các hoạt động tháo chạy của quân Nhật. Ngay khi chiến tranh kết thúc, bà được điều động về Mỹ làm việc tại Ban châu Âu của OSS.

Tuy nhiên sự nghiệp tình báo của Julia Child đã rẽ hướng từ khi bà cùng chồng là Paul Child, cũng là một điệp viên OSS, được điều động đến làm việc tại thủ đô Paris của Pháp dưới lốt nhân viên Cơ quan Thông tin Mỹ (USIA). Với tính cách sôi nổi, năng động của mình, bà mau chóng trở nên buồn chán với công việc nội trợ hằng ngày. Nấu nướng đến với Julia như một hình thức giải trí và dần dần phát triển thành đam mê cả đời. Bắt nguồn từ niềm mê say những món ăn hảo hạng tại Paris mà hai vợ chồng được thưởng thức, Julia Child quyết định mình phải trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp. Sau khi tham gia lớp nấu ăn nổi tiếng Le Cordon Bleu và hết mình cải thiện kĩ năng nấu nướng, bà có cơ hội được học nghề riêng với những bếp trưởng nổi tiếng như Mac Bugnard, dần dần tiến gần đến trình độ của một đầu bếp ẩm thực hạng sang theo tiêu chuẩn Pháp.

Sau hơn 10 năm ở Pháp, bà Julia trở về Mỹ, tiếp tục truyền bá ẩm thực Pháp bằng việc dạy nấu ăn trên truyền hình và viết nhiều cuốn sách dạy nấu món ăn Pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người nổi tiếng từng là điệp viên trong Chiến tranh thế giới II

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.