Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những nhà khoa học nữ làm thay đổi thế giới

Mai Chi| 23/12/2015 16:43

(HNMO) - Hàng thập kỷ qua, rất nhiều nhà khoa học nữ đã âm thầm thay đổi thế giới bằng những đóng góp đáng nể trong các lĩnh vực mà theo suy nghĩ của nhiều người vốn chỉ dành cho nam giới như công nghệ, hóa học, y học…

Sally Ride (1951 – 2012) – Sally Ride nổi danh với việc trở thành nữ phi hành gia đầu tiên của Mỹ.

Virginia Apgar (1909 – 1974) – Bà là người đi tiên phong trong việc phát triển hệ thống APGAR (Màu da, nhịp tim, phản xạ kích thích, cử động, hô hấp) - ứng dụng trong việc đánh giá sơ bộ về sức khỏe của trẻ sơ sinh.

Jane Cooke Wright (1919 – 2013) – Nhà vật lý học này đã trở thành giám đốc quỹ Nghiên cứu Ung thư tại bệnh viện Harlem khi chỉ mới 33 tuổi. Thay vì tiến hành trên chuột, bà thực hiện các thí nghiệm của mình trên các mô của cơ thể người và phát triển phương pháp điều trị hóa trị bằng ống thông.

Rita Levi-Montalcini (1909 – 2012) – Rita chính là người đã bí mật xây dựng hệ thống đường hầm tại Ý – được sử dụng làm phòng thí nghiệm để nghiên cứu tế bào thần kinh trong suốt chiến tranh thế giới II. Bà và người cộng sự Stanley Cohen đã được trao giải Nobel vào năm 1986.

Augusta Ada, phu nhân Bá tước Lovelace (1815 – 1852) – Phương pháp đặt lệnh cho chiếc máy phân tích số liệu do nhà toán học này xây dựng được coi là chương trình máy tính đầu tiên trên thế giới.

Chien-Shiung Wu (1912 – 1997) – Bà là nhà khoa học đầu tiên nhận được giải thưởng Wolf trong lĩnh vực vật lý. Bà làm việc cho dự án Manhattan – nghiên cứu việc chia tách đồng vị U-235 và U-238 bằng khuếch tán khí. Bà cũng giúp chứng minh định luật bảo toàn tính chẵn lẻ là không chính xác.

Amalie Emmy Noether (1882 – 1935) – Nhà toán học người Đức là một trong những người đặt nền móng cho toán đại số trừu tượng. Tuy nhiên, bà lại phải chịu sự phân biệt đối sử bởi giới tính, cân nặng và nguồn gốc Do thái. Einstein mô tả bà là “thiên tài toán học vĩ đại nhất”.

Hedy Lamarr (1913 – 2000) – Bà từng là một ngôi sao điện ảnh kể từ năm 1941 trước khi phát minh ra công nghệ liên lạc nhảy tần số để ngăn chặn sự gây nhiễu của kẻ thù, giúp ích rất nhiều cho phe Đồng minh trong thế chiến II. Công nghệ này còn được ứng dụng rộng rãi trong suốt 3 thập kỷ sau đó.

Ruth Benerito (1916 – 2013) – Nhà hóa học này đã phát minh ra phương pháp dệt vải cotton bền và không nhăn, cứu vãn nền công nghiệp cotton sau sự ra đời và cạnh tranh của một số loại vải khác như vải sợi tổng hợp.

Lynn Margulis (1938 – 2011) – Nghiên cứu của nhà sinh học người Mỹ này - về mối quan hệ cộng sinh xuất phát từ các tế bào - đã bị từ chối 15 lần trước khi được xuất bản.

Barbara McClintock – Đi tiên phong trong việc nghiên cứu vê gen, nhà khoa học này đã sử dụng cây ngô để tìm hiểu về sự chuyển vị - giả thuyết cho rằng gen kích hoạt các hoạt động vật lý. Sau một thời gian dài không được thừa nhận, bà đã vinh dự được trao giải Nobel vào năm 1983 ở tuổi 81.

Elise Widdowson (1908 – 2000) – Vào năm 1934, Elise đã khám phá ra chất sắt được hấp thụ thay vì bài tiết qua da. Bà cũng tiến hành nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của chất lỏng và muối đối với cơ thể và thận, và tạo ra một loại bánh mì để đối phó với nạn suy dinh dưỡng trong Thế chiến II.

Alice Hamilton (1869 – 1970) – Sinh ra tại bang Indiana, Hamilton là người đi tiên phong trong lĩnh vực độc dược học. Bà có đóng góp trong việc nghiên cứu tình trạng ngộ độc chì của các công nhân nhà máy, khoanh vùng dịch thương hàn năm 1922… Bà cũng chính là nữ giảng viên đầu tiên tại đại học Y Harvard.

Alice Catherine Evans (1881 – 1975) – Evans đã tiến hành nghiên cứu hai dạng vi khuẩn có liên quan mật thiết và gây bệnh ở gia súc – vốn được coi là hoàn toàn tách biệt nhau. Hiện cả hai chủng vi khuẩn này được gọi chung là Brucellosis.

Grace Murray Hopper (1906 – 1992) – Bà là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “bọ máy tính” khi phát hiện ra một lỗi kỹ thuật trên máy tính của mình. Nhà toán học này đã thiết kế phần mềm giải mã đầu tiên – được biết đến với tên gọi A-O – nhằm đơn giản hóa mã nhị phân.

Mary Cartwright (1900 – 1998) – Mary đã kết hợp nhiều công thức có từ trước để giải mã các tần số vô tuyến rải rác. Đồng thời, bà cũng nghiên cứu lý thuyết hỗn loạn – lĩnh vực toán học nghiên cứu biến đổi của hệ thống động lực phản ứng với những khác biệt nhỏ nhất so với điều kiện ban đầu.

Marie Curie (1867 – 1934) – Bà được coi là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại và từng 2 lần vinh dự nhận giải Nobel – thành tích đáng nể với cả nam giới. (Ảnh: Youtube)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nhà khoa học nữ làm thay đổi thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.