Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày tàn của thủ lĩnh Taliban

Hoàng Linh| 12/06/2016 06:28

(HNM) - Không lâu sau khi được đề bạt lên vị trí tối cao trong hàng ngũ lãnh đạo Taliban, Mullah Akhtar Mohammad Mansour đã thành công trong việc xốc lại tổ chức từng lâm vào cảnh

Mansour cũng được biết đến là một trong những thành viên sáng lập Taliban, đồng thời có quan hệ mật thiết với cả cựu lãnh đạo tối cao Mullar Omar của Taliban và trùm khủng bố Osama Bin Laden. Tầm quan trọng và vai trò của tên này trong Taliban đã khiến y trở thành mục tiêu của một vụ không kích bằng máy bay không người lái do Mỹ thực hiện tại khu vực phía Tây nam thị trấn Ahmad Wal, biên giới Pakistan - Afghanistan hồi cuối tháng 5 vừa qua. Đích thân Tổng thống Barack Obama đã ủy nhiệm tiến hành vụ tấn công.

Theo một số nguồn tin, Mansour được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1963 đến 1965 tại Band-e-Taimoor - một ngôi làng nằm trên địa bàn Maiwand, thuộc tỉnh Kandahar (phía Nam Afghanistan, chung biên giới với tỉnh Balochistan của Pakistan). Trong giai đoạn Afghanistan nằm dưới sự ảnh hưởng của Liên Xô cũ, Mansour tương tự như nhiều thành viên gia đình của hắn đã gia nhập một trong các nhóm chiến binh Hồi giáo (Mujahideen) chống lại người Nga do Mullah Haji Mohammad dẫn dắt.

Sau một thời gian dài chinh chiến, năm 1987, Mansour tới Quetta, thủ phủ của tỉnh Balochistan rồi "cập bến" Peshawar ở phía Tây bắc Pakistan. Đây cũng là nơi hắn tiếp tục các lớp học tôn giáo vốn trước đó bị ngắt quãng do cuộc chiến tại Afghanistan. Bản thân Mansour cũng là một trong những phần tử Taliban đầu tiên tràn vào chiếm lĩnh Kandahar và sau đó là toàn bộ Afghanistan trong cuộc chiến tranh chớp nhoáng kéo dài từ năm 1994 đến 1996.

Tới năm 2001, khi Mỹ tấn công Afghanistan, Mansour cùng với nhiều chiến hữu cấp cao khác của Taliban dời tới Quetta và được giao trọng trách quản lý Kandahar. Hắn liên tục thăng tiến tới đỉnh cao khi lực lượng an ninh Pakistan bắt giữ Bộ trưởng Quốc phòng Taliban Mullah Obaidullah Akhund tại Quetta. Ngay sau sự kiện này, Taliban đã quyết định đưa Mullah Abdul Ghani Baradar vào ghế "nóng" và bổ nhiệm Mansour vào một trong hai vị trí phó. Việc Baradar bị bắt trong một chiến dịch phối hợp giữa Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) và Cục tình báo Liên bang Mỹ (CIA) năm 2010 đã mở đường cho Mansour tiếp tục tiến lên nắm giữ vị trí lãnh đạo cao hơn.

Những thông tin mới hé lộ từ Cơ quan tình báo Afghanistan rằng, thủ lĩnh Taliban Mullah Omar thực ra đã chết từ năm 2013, đẩy Mansour vào tình huống khó xử khi trước đó, nhánh Fidai Mahaz thuộc Taliban cáo buộc y tham gia ám sát Mullah Omar trong cuộc "đảo chính" năm 2015. Dù là phó tướng lâu năm của ông trùm đã mất, nhưng Mansour vẫn bị nhiều đồng đội phản đối việc được đề bạt. Tuy nhiên, Taliban đã nhanh chóng "chốt" vị trí lãnh đạo mới cho Mansour nhằm tránh những xung đột, cãi vã có thể diễn biến phức tạp hơn trong hàng ngũ của mình. Kể từ đó, tân thủ lĩnh Taliban đã có những bước đi mở rộng hoạt động, thực hiện nhiều cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các lực lượng Chính phủ Afghanistan và tái chiếm một số địa bàn quan trọng, bao gồm cả Warduj.

Ngay sau khi tiêu diệt Mansour, quân đội Mỹ cho biết lý do nằm ở việc tên này đang tích cực chuẩn bị mở rộng tấn công ra toàn Afghanistan. Đây sẽ là một trở ngại đối với hòa bình và hòa giải giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban, vì y có chủ trương cấm các lãnh đạo khác của nhóm này tham gia đàm phán hòa bình với Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày tàn của thủ lĩnh Taliban

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.