Theo dõi Báo Hànộimới trên

Số phận bí ẩn của người đàn ông trong bức ảnh gây sốc toàn cầu về Apartheid

Vân An| 17/06/2016 09:41

(HNMO) - Trong một bức ảnh được nhìn thấy trên khắp thế giới, Mbuyisa Makhubu, khuôn mặt đầy thống khổ, bế cô bé Hector Pieterson, 13 tuổi, trên tay sau khi em bị những cảnh sát phân biệt chủng tộc thời Apartheid ở Nam Phi bắn chết.

Tháng 6/1976, hàng nghìn trẻ em và thanh thiếu niên da đen đã tràn xuống các con đường của Soweto để phản đối bị buộc phải học trong các trường dành riêng cho người da đen. Cảnh sát đã phản ứng lại các cuộc biểu tình hòa bình của học sinh bằng vũ lực, đạn hơi cay.

Những hình ảnh này đã được truyền đi toàn thế giới, khiến cộng đồng quốc tế lên án, phản đối sự tàn bạo của chế độ phân biệt chủng tộc.

Những gì xảy ra sau đó tại Nam Phi đã được ghi lại đầy đủ, từ sự sụp đổ của chế độ, đến cuộc bầu cử của Nelson Mandela vào năm 1994.

Nhưng khi thế giới đánh dấu mốc kỷ niệm 40 năm cuộc nổi dậy Soweto, số phận của Makhubu, người đàn ông trong bức ảnh nổi tiếng trên, vẫn còn là bí ẩn.

Một thông tin mới đăng trên tờ The Guardian cho biết, người đàn ông từng là anh hùng trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc đã ngồi trong một nhà tù của Canada hơn 11 năm vì vi phạm luật nhập cư của nước này.

Trong những ngày sau cuộc nổi dậy, hình ảnh Makhubu đã trở thành biểu tượng, đồng nghĩa với sự phản kháng. Bức ảnh đã biến chàng trai 18 tuổi trở thành một mục tiêu của cảnh sát phân biệt chủng tộc và buộc anh phải rời bỏ đất nước. Một lá thư được gửi từ Nigeria vào năm 1978 là những tin tức cuối cùng mà gia đình anh nhận được từ anh.

Năm 1988, một người tên Victor Vinnetou đã đáp máy bay đến Toronto bằng một hộ chiếu Zambia. Hộ chiếu này sau đó được cơ quan di trú Canada xác định là giả.

Sau khi không xin được tị nạn, Vinnetou biến mất. Ông bị cơ quan nhập cư ở Toronto bắt năm 2004. Cơ quan này nghi ngờ Vinnetou đã sử dụng một nhân dạng giả và năm 2012, một điều tra viên được giao nhiệm vụ điều tra danh tính thực sự của ông.

Điều tra viên đã tới Nam Phi, nghi ngờ khả năng người đàn ông trên - tại thời điểm đó đã bị giam giữ 8 năm - có thể chính là người trong bức ảnh mang tính biểu tượng của cuộc nổi dậy Soweto.

Ý tưởng này đã gây hứng thú ở Nam Phi và được một số thành viên gia đình Makhubu ủng hộ. "Tôi tin chắc đó là chú của tôi", Zonghizile Makuba, 37 tuổi, cháu trai của Makhubu, nói. "Chúng tôi đã nhìn bức ảnh và thậm chí tôi trông cũng giống ông".

Mbuyisa Makhubu trong bức ảnh nổi tiếng thế giới về nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi



Theo Makuba, người đàn ông tên Vinnetou có thể mô tả lại thời khắc bế bé gái 13 tuổi Hector Pieterson một cách chi tiết, sống động nhưng ông không muốn tiết lộ danh tính của mình bởi ông nghĩ rằng, chính phủ phân biệt chủng tộc vẫn còn nắm quyền. Ông từ chối quay trở lại Nam Phi, thậm chí ngay cả khi được thông báo là đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) đã nắm quyền.

Tuy nhiên, có quá ít bằng chứng ủng hộ giả thuyết này. Năm 2013, các quan chức Nam Phi đã đến Canada, hy vọng sẽ mang ông trở lại quê hương và chào đón như một người hùng. Nhưng nỗ lực này đã bị cản trở bởi người đàn ông đã từ chối trả lời hầu hết các câu hỏi của họ và cáo buộc ANC giết chết cha mẹ mình. Xét nghiệm DNA đã được thực hiện với những người thân còn sống của Makhubu tại Nam Phi; thử nghiệm đầu tiên không chính xác và thử nghiệm thứ hai thiếu thuyết phục.

Khi vụ việc diễn ra, Vinnetou vẫn bị giam giữ. Cơ quan biên giới Canada cho biết, ông từ chối hợp tác với nhà chức trách trong việc xác nhận danh tính, giải thích việc tại sao ông lại là một tù nhân nhập cư bị giam giữ lâu nhất ở Canada...

Chủ yếu do sự hạn chế không gian, khoảng 1/3 những người nhập cư trái phép bị bắt giữ ở Canada bị giam tại các nhà tù cấp tỉnh, trong những phòng nhỏ 21 giờ mỗi ngày và không được nhận các cuộc điện thoại quốc tế hay có cố vấn pháp lý.

Canada là một trong số ít các nước phương Tây không khống chế thời gian tạm giữ người nhập cư, dẫn đến những trường hợp như Vinnetou, bị giam giữ nhiều năm dù chưa từng bị kết án như một tội phạm.

Thời gian bị giam giữ có thể gây căng thẳng đặc biệt với những người xin tị nạn hoặc những người đã bỏ chạy khỏi chế độ áp bức, nó tàn phá tinh thần của họ.

"Tôi đã thấy nó làm cho con người phát điên", Macdonald Scott, một nhà tư vấn di trú cho công ty luật Carranza LLP nói.

Những lo ngại về trường hợp của Vinnetou đã được đưa ra tại một phiên điều trần về giam giữ gần đây của luật sư của ông, người cho rằng ông có thể đã bị hoang tưởng. Vinnetou đã được tại ngoại tháng 1 vừa qua, có thể quay trở lại Nam Phi khi các giấy tờ thích hợp được đảm bảo. Tuy nhiên, Nam Phi từ chối cấp giấy tờ cần thiết cho ông, khiến ông rơi vào tình trạng lấp lửng hợp pháp tại Canada.

Chị của Makhubu cho biết, trạng thái tinh thần mong manh của Vinnetou khiến bà do dự không dám khẳng định liệu ông có phải là biểu tượng chống phân biệt chủng tộc hay không.

"Tôi không biết", bà Ntsiki Gwendolyn Makhuba, 62 tuổi, nói. "Về mặt hình thức thì giống nhưng người đàn ông đó rõ ràng là tinh thần không ổn định và rất bối rối".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Số phận bí ẩn của người đàn ông trong bức ảnh gây sốc toàn cầu về Apartheid

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.