Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Vụ kiện thế kỷ” ở Biển Đông

Quang Huy| 10/07/2016 07:49

(HNM) - Trước những hành động vi phạm luật pháp quốc tế và liên tiếp gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc, Philippines đã tiến hành những bước đi pháp lý nhằm thông qua các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết những tranh chấp này. Theo dự kiến, ngày 12-7, Tòa trọng tài theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) sẽ đưa ra phán quyết trong vụ kiện lịch sử của Philippines ở Biển Đông.


Giữa Trung Quốc và Philippines trong nhiều năm trở lại đây đã có những đối đầu căng thẳng ở bãi cạn Scarborough mà hai bên đều tuyên bố chủ quyền. Cho đến tháng 6-2012, bằng nhiều phương cách khác nhau, Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát trên thực tế đối với bãi cạn này và tiếp tục củng cố sự kiểm soát đối với Scarborough. Bất bình trước những hành động của Trung Quốc, ngày 22-1-2013, Philippines đã nộp bản Thông báo và Tuyên bố khởi kiện Trung Quốc ra trước Tòa trọng tài của Liên hợp quốc về “Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với Biển Đông (Philippines gọi là Biển Tây Philippines)” theo các quy định của Phụ lục VII, UNCLOS. Philippines cho rằng họ phải dùng đến biện pháp này sau khi mọi nỗ lực đàm phán với Trung Quốc để giải quyết hòa bình tranh chấp biển với Trung Quốc thất bại.

Tuy nhiên, ngày 19-2-2013, Trung Quốc đã ra Công hàm “Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Biển Đông” mà theo đó Trung Quốc đã bác bỏ Thông báo của Philippines và khẳng định không chấp nhận và không tham gia vụ kiện. Mặc dù vậy, theo Điều 9 Phụ lục VII, UNCLOS, Tòa trọng tài vẫn tiếp tục xem xét vụ việc và Tòa trọng tài Thường trực (PCA) đã được chọn làm Ban thư ký cho Tòa trọng tài trong vụ kiện này. Trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc, Philippines có thể dùng đến cơ chế Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) và Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Tuy nhiên, hai cơ chế này muốn thực hiện được thì các bên tranh chấp phải đồng ý cùng ra tòa. Do vậy, Tòa trọng tài Phụ lục VII, UNCLOS là sự lựa chọn duy nhất với cơ chế cho phép một bên tranh chấp đơn phương kiện.

Sau khi hội đồng Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS ngày 21-6-2013, Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm không chấp nhận, cũng như không tham gia quá trình tố tụng cho dù trong nửa năm sau đó, Tòa liên tục thông báo cho cả hai phía cơ hội trao đổi về dự thảo thủ tục tố tụng. Đầu tháng 8-2013, Trung Quốc gửi công hàm cho PCA để tái khẳng định quan điểm “không chấp nhận” của họ. Tính từ thời điểm Philippines khởi kiện, các chuyên gia của nước này đã tích cực và nhiều lần bổ sung hồ sơ vụ kiện cũng như tham gia tranh tụng để giải thích lập trường của mình. Ngày 30-3-2014, Philippines đã đệ trình Bản Tranh tụng hơn 4.000 trang lên tòa, trong đó có những tư liệu chứng minh và bản đồ hỗ trợ việctố tụng.

Theo Điều 9, Phụ lục VII, UNCLOS cũng như Quy tắc 25 trong Quy tắc Trọng tài của vụ kiện, Tòa trọng tài trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng phải thỏa mãn rằng Tòa có thẩm quyền trong vụ việc và lập luận phải có cơ sở vững chắc về mặt pháp lý và thực tiễn. Ngày 29-10-2015, Tòa trọng tài đã xác định mình có thẩm quyền đối với khoảng một nửa số đệ trình của Philippines, đồng thời bác bỏ các phản bác của Trung Quốc. Theo nhiều chuyên gia, đây có thể được xem là thành công của Philippines trong vụ đối đầu pháp lý với Trung Quốc.

Trong phiên tranh tụng vào tháng 7-2015 tại Tòa trọng tài, Philippines đã nêu 15 nội dung kiện. Các nội dung đó gồm 5 nhóm vấn đề chính. Đó là: (1) Trung Quốc vi phạm UNCLOS bằng cái gọi là “đường 9 đoạn”, hay “đường chữ U”. “Đường 9 đoạn” không hề có bất kỳ căn cứ nào theo luật quốc tế khi ý nghĩa của nó là nhằm vạch ra giới hạn yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc. (2) Xác định quy chế pháp lý của một số thực thể (gồm bãi cạn Scarborough và 8 cấu trúc tại Trường Sa). Những cấu trúc trên biển mà Trung Quốc dựa vào để làm căn cứ nhằm khẳng định yêu sách ở Biển Đông không phải là các "đảo" có khả năng tạo ra quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Thay vào đó, một số cấu trúc đó là "đảo đá", theo định nghĩa của Điều 121 UNCLOS; một số khác là các cấu trúc lúc chìm lúc nổi; còn số khác là đảo chìm. Do đó, không một cấu trúc nào có khả năng tạo ra quyền ngoài phạm vi 12 hải lý, thậm chí một số cấu trúc còn không tạo ra bất kỳ một quyền nào. Những hoạt động cải tạo với quy mô lớn gần đây của Trung Quốc không thể thay đổi một cách hợp pháp bản chất và đặc điểm nguyên thủy của những cấu trúc này. (3) Trung Quốc can thiệp vào hoạt động thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines. (4) Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS bằng việc gây ra thiệt hại không thể phục hồi đối với môi trường biển trong khu vực. (5) Tàu chấp pháp Trung Quốc có những hành động nguy hiểm với tàu Philippines, vi phạm luật pháp quốc tế. Cuối tháng 11-2015, các phiên tranh tụng về nội dung thực chất của vụ kiện đã diễn ra. Phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài dự kiến được đưa ra vào ngày 12-7, đây sẽ là thời điểm mang tính quyết định đối với các tranh chấp ở Biển Đông.

Trước vụ kiện này, nhiều quốc gia đã bày tỏ quan điểm lập trường của mình lên tiếng ủng hộ Philippines trong vụ kiện như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Australia và nhiều nước EU... Còn phía Trung Quốc dù không công nhận vụ kiện, nhưng quốc gia này vẫn có những chiến dịch vận động hành lang các nước không ủng hộ vụ kiện Philippines khởi xướng. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, đến thời điểm hiện tại số quốc gia lên tiếng ủng hộ Trung Quốc mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần đưa ra tuyên bố khẳng định lập trường của mình đối với vụ kiện. Gần đây nhất ngày 1-7, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam về vụ việc này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và là quốc gia thành viên UNCLOS 1982, Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến vụ kiện và mong muốn Tòa trọng tài sẽ đưa ra phán quyết công bằng và khách quan, tạo cơ sở cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Một lần nữa, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của UNCLOS 1982”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Vụ kiện thế kỷ” ở Biển Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.