Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm “thần chết” theo hợp đồng để kiếm sống trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines

Tiến Đạt| 29/08/2016 15:49

(HNMO) - Cuộc chiến chống ma túy tại Philippines đang trở thành tâm điểm của dư luận thế giới. Chỉ chưa đầy hai tháng, chiến dịch truy quét tội phạm của tổng thống Rodrigo Duterte đã tiêu diệt khoảng 2.000 nghi phạm.


Khi gặp gỡ một sát thủ đã giết chết sáu mạng người trong cuộc truy quét tội phạm ma túy tại Philippines, người ta sẽ không thể hình dung ra đó lại là một phụ nữ trẻ đang mang thai, với khuôn mặt còn lộ rõ vẻ căng thẳng.

“Nhiệm vụ đầu tiên của tôi bắt đầu từ hai năm trước. Tôi cảm thấy thực sự sợ hãi và căng thẳng bởi đó là lần đầu tiên tôi làm việc này”.

Cô gái trẻ lấy tên giả là Maria, hiện đang ký hợp đồng giết người với chính phủ Philippines trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy. Cô hoạt động trong một nhóm gồm ba thành viên đều là phụ nữ. Tận dụng lợi thế là phái đẹp, họ có cơ hội để tiếp cận gần hơn với các nghi phạm.

Kể từ khi Tổng thống Duterte trúng cử, ông khuyến khích công dân của mình và cảnh sát tham gia cuộc truy quét tội phạm quy mô lớn, giết hết những tên buôn bán ma túy có biểu hiện chống cự. Ngoài sáu tên nghi phạm, Maria đã giết thêm năm người khác bằng những phát đạn vào đầu.

Khi được phóng viên BBC hỏi về việc thực hiện những vụ ám sát trên, Maria cho biết, cô làm theo chỉ thị từ cấp trên, tức phía cảnh sát. Trong một buổi chiều nọ, sau khi gặp gỡ phóng viên, người phụ nữ “tử thần” cùng chồng di chuyển vội vã đến một nơi ở khác do ngôi nhà cũ đã không còn an toàn nữa.

Cuộc chiến chống ma túy đang gây tranh cãi tại Philippines mang lại cho cô nhiều cơ hội làm việc nhưng kèm theo không ít những rủi ro. Maria bắt đầu công việc giết chóc kể từ khi chồng cô nhận nhiệm vụ thanh toán một con nợ - cũng là một tên buôn ma túy từ phía cảnh sát.


“Chồng tôi được yêu cầu giết những người không trả hết nợ”. Theo thời gian, đây trở thành công việc thường xuyên của chồng tôi cho đến khi một tình huống khó khăn hơn nảy sinh. “Cảnh sát nói là họ cần một người phụ nữ thực hiện nhiệm vụ, thế là chồng tôi bảo tôi làm. Khi nhìn thấy người đàn ông tôi phải giết, tôi lại gần hắn và bắn một phát vào đầu”.

Vợ chồng Maria đến từ một khu phố nghèo của Manila và không có thu nhập ổn định trước khi họ đồng ý trở thành các sát thủ theo hợp đồng. Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ, cả nhóm có thể bỏ túi 20.000 peso (tương đương 430 USD). Đối với một người dân có thu nhập thấp ở Philippines thì số tiền kiếm được từ nhiều vụ giết người này là cả một gia tài. Những dường như Maria không còn đường lùi nữa.

Hợp đồng giết thuê không còn là điều mới mẻ ở Philippines, nhưng những tay sát nhân chưa bao giờ bận rộn hơn lúc này, khi Tổng thống Duterte đã gửi một thông điệp rõ ràng.

Tổng thống Rodrigo Duterte từng tuyên bố sẽ tiến hành truy quét triệt để tội phạm ma túy.


Trước khi trúng cử, ông từng tuyên bố sẽ giết 100.000 tội phạm trong sáu tháng đầu tiên nếu trở thành tổng thống. Ông cũng từng cảnh cáo những tên buôn bán ma túy rằng: “Đừng hủy hoại đất nước của ta nếu không các người sẽ phải chết”.

Điều khiến cho tổng thống phải quyết định tiến hành chiến dịch tàn nhẫn này là sự xuất hiện của một loại thuốc phiện tại Philippines có tên là “Shabu”. Thứ thuốc rẻ, dễ điều chế và gây nghiện mạnh mẽ trở thành món “khoái khẩu” của những người dân khu ổ chuột, những người lao động nghèo.

Shabu là gì?

Tổng thống Philippines mô tả loại thuốc này như một đại dịch đang cướp đi cuộc sống của hàng triệu đồng bào. Nó còn có giá trị thương mại cao. Trước đây, ông đã liệt kê danh sách 150 cán bộ cấp cao, thẩm phán và các quan chức có liên quan đến mua bán shabu. Trong đó, có 5 sĩ quan cảnh sát là trùm của “ngành công nghiệp này”. Tuy nhiên, đây chỉ là nạn nhân cấp độ thấp nhất của shabu.


Theo cảnh sát, từ ngày 30/6 năm nay, hơn 1.900 người đã bị giết trong các vụ liên quan đến ma túy. Trong đó, 756 người bị cảnh sát giết vì chống cự. Số còn lại vẫn còn đang trong quá trình điều tra.

Trên thực tế, đa phần các vụ đều không được giải thích. Gần như tất cả những thi thể đẫm máu được tìm thấy mỗi đêm ở các khu ổ chuột Manila và các thành phố khác – nơi mà những người lao động nghèo, lái xích lô, thất nghiệp ở. Thông thường, bên cạnh các thi thể là những tấm bìa các tông kí hiệu cảnh báo tránh xa ma túy. Đây là cuộc chiến diễn ra ở những nơi nghèo nhất đất nước và những người như Maria tận dụng những nơi này như căn cứ hoạt động.

Tại Tondo, khu nhà ổ chuột nằm gần cảng Manila, hầu hết người dân đều ủng hộ chiến dịch diệt trừ tội phạm ma túy do Tổng thống Philippines phát động. Họ cho rằng, chính “shabu” là nguyên nhân dẫn đến tội phạm tăng cao, hủy hoại cuộc sống. Song họ vẫn không khỏi lo sợ mọi việc vượt khỏi tầm kiểm soát và dân thường vô tội sẽ bị vạ lây.

Lời thú nhận của kẻ bị truy sát

Một trong những con mồi là Roger (tên giả), nghiện “shabu” từ khi còn trẻ. Anh chỉ là một người lao động bình thường nhưng khi đã dính vào nghiện ngập, Roger bắt đầu dấn thân vào việc buôn bán ma túy, công việc giúp anh kiếm được nhiều hơn là đi làm thuê. Anh từng giao du với rất nhiều tên cảnh sát biến chất, nên đôi khi còn được chia phần nếu cảnh sát tịch thu được một mẻ ma túy rồi tuồn ra ngoài bán.


Hiện Roger đang phải trốn và di chuyển khắp nơi để tránh bị cảnh sát tóm và giết.

“Hàng ngày, hàng giờ, tôi không thể thoát ra khỏi nỗi sợ hãi. Việc ẩn náu suốt ngày thực sự rất mệt mỏi và đáng sợ. Bạn không thể biết được rằng một người đứng trước mặt có thể là kẻ muốn cướp đi mạng sống của bạn. Thật khó để có một giấc ngủ yên bình. Chỉ một tiếng động nhỏ cũng làm tôi thức giấc. Nhưng điều khó khăn nhất đối với tôi là không biết tin vào ai nữa, tôi không biết phải đi đâu, về đâu”.

“Tôi thực sự nghĩ rằng mình đã phạm tội. Phạm tội lớn. Tôi đã làm ra những điều khủng khiếp, tôi đã làm nhiều điều sai trái, khiến nhiều người trở thành con nghiện. Tuy nhiên, những gì tôi có thể nói là không phải tất cả những con nghiện đều là những tên trộm cắp, phạm tội và thậm chí giết người. Tôi cũng là một con nghiện những tôi chưa từng giết người, chưa từng đi trộm cắp”, anh thú nhận.

Roger phải gửi con cho gia đình vợ ở quê chăm sóc cũng là để ngăn chúng dính dáng đến “đại dịch” ma túy. Anh ước chừng khoảng 30-35% người dân trong khu phố trước kia anh sống đều dính vào nghiện ngập.

Câu hỏi đặt ra là khi Tổng thống Duterte đã nhắc đi nhắc lại trong suốt chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ tiêu diệt những tên buôn bán ma túy rồi vứt xác xuống vịnh Manila, Roger và những người như anh có cho rằng đó là tuyên bố nghiêm túc không?

Anh chia sẻ: “Có. Nhưng tôi nghĩ mục tiêu đặt ra là những tập đoàn, xí nghiệp lớn sản xuất ma túy chứ không phải là những tên buôn bán nhỏ lẻ như tôi. Tôi mong là có thể quay ngược lại thời gian nhưng đã quá muộn rồi. Tôi không còn cơ hội để đầu hàng nữa bởi nếu gặp cảnh sát, họ sẽ giết tôi ngay lập tức”.

Không còn đường lùi?

Quay trở lại câu chuyện với Maria, cô hối hận vì đã lựa chọn công việc này. “Tôi cảm thấy có lỗi và thần kinh lúc nào cũng căng thẳng. Tôi sợ gia đình, người thân của những người tôi giết sẽ báo thù”.

Nhưng điều khiến cô lo lắng hơn cả là những đứa trẻ. “Tôi không muốn chúng đi theo vết xe đổ của bố mẹ, giết người để kiếm sống”. Đứa con trai đầu từng hỏi cô rằng vì sao bố mẹ lại kiếm được nhiều tiền như vậy.

Cô còn một mục tiêu, một hợp đồng nữa chưa hoàn thành. Đây có thể là lần giết người cuối cùng của cô. Nhưng những người ra lệnh cho cô thực hiện nhiệm vụ từng đe dọa rằng sẽ thủ tiêu bất cứ ai có ý định rời khỏi nhóm. Đó là một cái bẫy.

Khi được hỏi về suy nghĩ về chiến dịch tàn sát của Tổng thống Duterte, cô cho biết: "Chúng tôi chỉ nói chuyện với nhau về nhiệm vụ, làm thế nào thực hiện cho xong. Khi kết thúc, chúng tôi không bao giờ nhắc về chúng".

Nhưng trong khoảnh khắc Maria nắm chặt tay với đôi mắt nhắm lại. Dường như, cô không muốn chia sẻ thêm về công việc mà mình đã vô tình bị lôi vào kéo vào, trở thành một “tử thần” - nỗi khiếp đảm của những tên buôn ma túy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm “thần chết” theo hợp đồng để kiếm sống trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.