Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ vọng ở lãnh đạo mới

Kim Phượng| 16/10/2016 07:27

(HNM) - Ngôi vị Tổng Thư ký (TTK) thứ 9 trong lịch sử 71 năm của Liên hợp quốc (LHQ) đã chính thức được trao cho cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres sau cuộc bỏ phiếu nhất trí thông qua của 193 quốc gia thành viên Đại hội đồng LHQ diễn ra tối 13-10.


Nhà lãnh đạo 67 tuổi này sẽ giữ chức TTK mới của LHQ nhiệm kỳ 5 năm, bắt đầu từ ngày 1-1-2017, thay ông Ban Ki-moon, sẽ mãn nhiệm vào cuối năm nay. Trong bối cảnh LHQ nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như làn sóng di dân, sự chia rẽ ngày càng lớn, nhân loại cần cầu nối tin cậy giữa các quốc gia trên mọi lĩnh vực, ông A.Guterres được đánh giá sẽ đáp ứng kỳ vọng của nhiều chính phủ.



Sinh ra ở Lisbon năm 1949, ông A.Guterres học ngành kỹ thuật và vật lý tại Trường Instituto Superior Tecnico và sau đó nghiên cứu học thuật. Tuy nhiên, công việc này chỉ giữ chân ông được vài năm. Ông gia nhập đảng Xã hội của Bồ Đào Nha năm 1974 và trở thành chính trị gia. Năm 1995, 3 năm sau khi được bầu làm Tổng Thư ký đảng Xã hội, ông A.Guterres được bầu làm Thủ tướng Bồ Đào Nha và giữ cương vị này tới năm 2002.

Mãn nhiệm chức Thủ tướng Bồ Đào Nha nhưng nhờ nói thông thạo nhiều ngoại ngữ gồm tiếng Anh, Tây Ban Nha và Pháp, ông được bổ nhiệm làm người phụ trách Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) vào năm 2005. Trên cương vị này trong 10 năm, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha đã thể hiện năng lực và có nhiều đóng góp để giải quyết các cuộc khủng hoảng người tị nạn, nhân đạo trên toàn cầu. Ông được ghi nhận có nhiều nỗ lực không mệt mỏi để buộc các nước giàu phải giúp đỡ nhiều hơn cho những người phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn những cuộc xung đột, nghèo đói và thiên tai.

Nhiều nhà phân tích đánh giá, ông A.Guterres để lại những di sản đáng quý cho cơ quan tị nạn LHQ. Điều đó đã khiến ông vẫn là người có tiếng nói quan trọng, đáng kính và được thế giới lắng nghe. Đây cũng là một trong những lý do ông A.Guterres giành chiến thắng thuyết phục trước 12 đối thủ nặng ký, gồm các nguyên thủ quốc gia, các nhân viên ngoại giao hàng đầu và người đứng đầu những cơ quan của LHQ. Bằng kinh nghiệm của người lãnh đạo UNHCR trong một thập niên, nhiều nhà quan sát tin rằng nhà lãnh đạo mới của tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới sẽ có khả năng thu hút thêm nhiều nguồn lực để giúp đỡ những người tị nạn Syria.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của một TTK LHQ mới chắc chắn sẽ không dễ dàng. Thách thức đầu tiên hiện nay là việc cải tổ cơ quan này. Đã có quá nhiều quan điểm cho rằng bộ máy LHQ đang vận hành một cách cồng kềnh, già cỗi và kém hiệu quả. Ngoài ra, việc xây dựng và hoạt động mô hình một LHQ cũng đang đặt ra nhiều thách thức lớn khi nguồn ngân sách eo hẹp và phụ thuộc vào các quốc gia, đồng nghĩa với việc LHQ sẽ phải đối mặt với “lực cản về chính trị” nếu bị ngân sách tài trợ chi phối. Một khó khăn nữa đặt ra là việc củng cố tình đoàn kết giữa các quốc gia. Các cuộc xung đột triền miên, mâu thuẫn giữa các cực chính trị và sự phân rẽ về quan điểm vẫn diễn ra trên toàn cầu đòi hỏi “người cầm trịch” LHQ phải thể hiện vai trò.

Trong diễn văn đọc trước Hội đồng Bảo an LHQ sau khi được chính thức đề cử làm TTK, ông A.Guterres thừa nhận ông sắp đối mặt với rất nhiều thách thức và hy vọng được làm việc trong sự đoàn kết, đồng thuận suốt nhiệm kỳ. Sự kiện một nhà lãnh đạo chính phủ đầu tiên được bầu chọn vào vị trí “cầm cân nảy mực” diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh là dấu hiệu rõ ràng cho thấy 193 quốc gia thành viên muốn có một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn và những kỹ năng thuần thục để chèo lái con thuyền LHQ vượt qua một trong những thời khắc khó khăn nhất trong lịch sử 71 năm tồn tại của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng ở lãnh đạo mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.