Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì thế giới không có vũ khí hạt nhân

Minh Hiếu| 24/12/2017 07:52

(HNM) - Vượt qua hơn 300 ứng viên khác, trong đó có những cái tên nặng ký như Giáo hoàng Francis, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ngày 10-12, tại thủ đô Oslo (Na Uy), Chiến dịch xóa bỏ vũ khí hạt nhân quốc tế (ICAN) đã giành Giải Nobel Hòa bình 2017.


Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen tuyên bố, đây là phần thưởng ghi nhận công lao trong việc thu hút sự chú ý về những hậu quả thảm khốc mà nhân loại phải gánh chịu nếu bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào được kích hoạt, cùng với đó là những nỗ lực đột phá của nhóm để đạt được hiệp ước cấm sử dụng các loại vũ khí này.

Được phát động từ năm 2007, Chiến dịch ICAN hiện có sự tham gia của 468 tổ chức phi chính phủ tại 101 quốc gia, trong đó có các nhóm hoạt động về quyền, phát triển, môi trường và hòa bình. Với ngân sách hằng năm khoảng 1 triệu USD và được hỗ trợ bởi các nhà tài trợ như Liên minh Châu Âu (EU), Na Uy, Thụy Sĩ, Đức, Vantican, ICAN đã hoạt động không ngừng nghỉ trong suốt 10 năm qua để tăng cường nhận thức của cộng đồng về mối đe dọa diệt vong từ sự tồn tại của vũ khí hạt nhân.

Trước đó, 51 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã ký kết Hiệp ước Toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân trong buổi lễ diễn ra bên lề khóa họp thứ 72 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại TP New York (Mỹ). Tuy vậy, không có nước nào trong số 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel tham gia vào quá trình thương thảo và ký kết văn kiện này. Các quốc gia này liên tục lập luận, kho vũ khí của họ là biện pháp phòng vệ cần thiết trước mối đe dọa ngày càng tăng từ cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Đại diện ICAN lên nhận Giải Nobel Hòa bình năm 2017 cùng Giám đốc B.Fihn, cụ bà Setsuko Thurlow (85 tuổi), một trong những nạn nhân sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử tại TP Hiroshima (Nhật Bản) chia sẻ: “Giải Nobel Hòa bình được trao cho Chiến dịch ICAN vào thời điểm này là một điểm sáng, giúp chúng ta vượt qua những bức tường ngăn cách và nhắc nhở nhau về mục tiêu đấu tranh vì nhân loại”.

Giải Nobel Hòa bình năm nay được trao đúng vào thời điểm căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên đáng lo ngại, trong khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được giữa Iran và nhóm P5 + 1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) vào năm 2015 đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Do đó, chúc mừng giải thưởng giành cho ICAN, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định hơn lúc nào hết, loài người cần một thế giới không có vũ khí hạt nhân. ICAN cũng coi đây là động lực lớn cho các tổ chức và cá nhân hoạt động về vấn đề phi hạt nhân hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì thế giới không có vũ khí hạt nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.