Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp mới hướng nghiệp cho học sinh

Anh Thư| 14/05/2014 06:56

(HNM) - UBND TP Hồ Chí Minh vừa đề nghị Bộ GD-ĐT cho thực hiện thí điểm mô hình đào tạo 9+5. UBND và Sở GD-ĐT thành phố kỳ vọng đây sẽ là giải pháp hữu hiệu cho công tác hướng nghiệp học sinh THCS, bởi lâu nay người ta chỉ quan tâm đến hướng nghiệp cho học sinh THPT.

Hướng nghiệp vẫn còn nặng tính hình thức

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, hiện nay, cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực của nhiều nước trên thế giới là: 1 đại học/4 cao đẳng/10 trung cấp. Nếu lấy tỷ lệ này đối chiếu với thực trạng trình độ lao động Việt Nam là: 5,7 đại học/1,7 cao đẳng/3,5 trung cấp, sẽ thấy hết sự méo mó về cơ cấu trình độ của lao động Việt Nam, khi lực lượng chuyên viên kỹ thuật và kỹ thuật viên chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Với cơ cấu nhân lực bất hợp lý như vậy việc triển khai đẩy mạnh CNH-HĐH là rất khó khăn.

Học sinh đang thực hành tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.



Như vậy, câu hỏi đặt ra cho những nhà làm công tác đào tạo và quản lý giáo dục đào tạo là làm thế nào hướng nghiệp cho học sinh nhằm cơ cấu nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội? Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, trước hết phải giải quyết được vấn đề phân luồng học sinh sau THCS. Thực tế công tác phân luồng học sinh THCS sau rất nhiều năm vẫn giậm chân tại chỗ bởi vì nhiều nguyên nhân như nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Nhiều gia đình và học sinh không lượng được sức học của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình để học nghề từ sớm. Các doanh nghiệp đòi hỏi người dự tuyển phải tốt nghiệp THPT cũng là trở ngại cho công tác phân luồng...

Đồng quan điểm trên Ths Nguyễn Hồng Trang, Hiệu phó Trường Cao đẳng Viễn Đông TP Hồ Chí Minh cho rằng, hệ thống thang, bảng lương theo quy định của ta hiện nay được xắp xếp theo bằng cấp và niên hạn. Đây là cơ sở để mọi người, mọi nhà cố cho con vào ĐH mà để làm được điều đó trước hết phải vào lớp 10.

Mô hình đào tạo 9+5

Theo mô hình đào tạo 9+5 mà TP Hồ Chí Minh đề xuất thì hệ này sẽ tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS, đào tạo 5 năm, chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn 1: thời gian đào tạo hai năm. Học sinh vừa học văn hóa vừa học một số kỹ năng nghề nghiệp trình độ sơ cấp nghề. Giai đoạn 2: thời gian đào tạo một năm. Học sinh tiếp tục học văn hóa để hoàn tất theo chương trình quy định và học các môn học, kỹ năng trình độ TCCN. Những học sinh có nguyện vọng muốn thi lấy bằng trung học phổ thông hoặc bổ túc trung học có thể học bổ túc thêm các môn văn hóa để tham gia kỳ thi tốt nghiệp theo quy định. Giai đoạn 3: thời gian đào tạo hai năm. Học sinh hoàn chỉnh kiến thức và kỹ năng bậc CĐ.

Phân tích của TS Nguyễn Mạnh Hùng, hằng năm, nước ta có khoảng 5,5 triệu học sinh ở cấp THCS. Khoảng 1 triệu học sinh tốt nghiệp THCS mỗi năm và phần lớn đều có nguyện vọng học lên THPT để sau này thi vào ĐH, CĐ. Trên thực tế, số học sinh tốt nghiệp THCS vào được các trường THPT chỉ khoảng 50-60%. Thế nên việc mở loại hình đào tạo 9+5 lấy đầu vào từ tốt nghiệp THCS sẽ đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo học sinh tốt nghiệp THCS có hướng học lên ở bậc ĐH, CĐ; giảm áp lực thi vào THPT và sau này là thi ĐH, CĐ đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Đồng thời mô hình này tạo điều kiện thuận lợi để sàng lọc học sinh trong quá trình đào tạo 5 năm. Điểm đặc biệt của mô hình này là cho phép các em học sinh được liên thông dọc và liên thông ngang. Nghĩa là sau mỗi giai đoạn các em học sinh có thể ngưng học để rẽ ngang đi làm việc và sau một thời gian có quyền quay lại trường đăng ký học tiếp các giai đoạn còn lại hoặc học liền một mạch 5 năm để tốt nghiệp. Đây cũng là biện pháp để tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, giảm tỷ lệ lao động phổ thông ở cả nước nói chung ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội nói riêng.

Tuy nhiên cũng theo TS Nguyễn Mạnh Hùng thì đây là mô hình đào tạo mới cần phải đổi mới tư duy và nhận thức. Đặc biệt cần phải tiến hành đào tạo thí điểm một số ngành nghề (6-7 ngành ở bậc CĐ), ở một số loại trường (ĐH/CĐ), ở một số thành phố từ năm học 2014-2015 sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp mới hướng nghiệp cho học sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.