Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần những giải pháp thiết thực

Linh Nhi| 27/09/2015 07:33

(HNM) - Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách trong lĩnh vực dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động ở độ tuổi thanh niên. Các cơ quan chức năng, cơ quan thẩm quyền, cũng có nhiều nỗ lực cụ thể hóa chính sách pháp luật, giải quyết việc làm cho lao động thanh niên.


Hơn 3 năm qua, cả nước đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 8 triệu lượt lao động. Tuy nhiên, trong số đó mới chỉ có khoảng gần 3,1 triệu lao động có việc làm (chiếm 37,89%), hơn 60% lao động thanh niên còn lại chưa có việc làm ổn định. Vậy, tại sao có thực trạng này?

Lao động trẻ tại làng nghề Bát Tràng. Ảnh: Yến Ngọc



Nỗ lực đưa chính sách vào cuộc sống

Theo Bí thư BCH TƯ Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, tỷ lệ thanh niên chiếm trên 35% lực lượng lao động cả nước. Hằng năm, tỷ lệ thanh niên đến tuổi lao động chiếm 95% trong tổng số 1,2 - 1,5 triệu người được bổ sung vào lực lượng lao động của cả nước. Điều đó cho thấy vấn đề học nghề, lập nghiệp của thanh niên và tạo việc làm cho lao động thanh niên là một nhiệm vụ quan trọng không những của các cấp bộ Đoàn mà còn là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của toàn xã hội và của chính thanh niên. Điều 18, Luật Thanh niên quy định trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức và gia đình tạo điều kiện cho thanh niên có việc làm; Luật Việc làm ban hành năm 2013 quy định về hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tư vấn, đào tạo nghề ngắn hạn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm miễn phí… nhằm giải quyết việc làm cho thanh niên. Gần đây nhất, Nghị định số 61/2015/NĐ - CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ như chính sách việc làm công, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp… hướng tới mục đích tạo việc làm cho thanh niên. Thực hiện các chính sách này, hằng năm cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,5 - 1,6 triệu lao động (giai đoạn 2011-2014). Chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2015, đã có trên 903.000 lao động được giải quyết việc làm, trong đó chủ yếu là lao động trong độ tuổi thanh niên. Cùng với đó, mỗi năm, Quỹ quốc gia về việc làm hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động, trong đó, khoảng 50% lao động trong độ tuổi thanh niên, chủ yếu ở khu vực nông thôn.

Theo Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), một trong những giải pháp để giải quyết tốt việc làm cho thanh niên đã và đang được áp dụng đó là đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Còn tại Hà Nội, ông Nguyễn Khánh Bình, Phó Bí thư Thành đoàn cho biết, thời gian qua, Đoàn Thanh niên thành phố đã chủ động tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố thực hiện Chương trình mục tiêu nhằm hỗ trợ thanh niên trên địa bàn Hà Nội về vấn đề đào tạo nghề và việc làm. Trong đó, Thành đoàn đã tập trung vào các hoạt động tập huấn, hỗ trợ tư vấn về nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên như: Đề án "Thực hiện mô hình CLB hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp", Đề án "Xây dựng quỹ vốn vay giải quyết việc làm cho thanh niên TP Hà Nội"; Đề án "Hỗ trợ thanh niên Thủ đô trong học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2011 - 2015"; Đề án "Thanh niên Thủ đô tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2020"… Ngoài ra, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ thanh niên vay vốn tạo việc làm mới; tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ phát triển cho đoàn viên thanh niên đặc biệt là khu vực nông thôn…

Theo báo cáo của Cục Việc làm (thuộc Bộ LĐ-TB&XH), cả nước có 13,52 triệu lao động thanh niên có việc làm, chiếm 25,2% tổng số lao động có việc làm. Tuy nhiên, chất lượng việc làm cho thanh niên còn hạn chế, phần đông thanh niên là lao động tự làm và lao động trong hộ gia đình không hưởng lương (chiếm 50%); hơn 50% lao động thanh niên làm việc không có hợp đồng lao động.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp còn cao

Theo kết quả điều tra mới nhất của Tổng cục Thống kê, hiện toàn quốc có 13,52 triệu thanh niên có việc làm. Con số này chỉ chiếm 25,2% tổng số lao động có việc làm. Điều này đồng nghĩa với tỷ lệ thanh niên chưa có việc làm (thất nghiệp) còn chiếm 62,6%, trong đó, số thanh niên thất nghiệp có độ tuổi từ 15 đến 24 chiếm 6,2%, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Điều này cho thấy, mặc dù chính sách khá đầy đủ, các cơ quan chức năng cũng đã nỗ lực vào cuộc, nhưng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp còn ở mức cao. Tại hội thảo đánh giá hiệu quả triển khai các nhóm chính sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm do Đoàn Khối các cơ quan TƯ, Ban Kiểm tra TƯ Đoàn và Đoàn Bộ LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, thu thập thông tin, nhu cầu về dạy nghề còn nhiều bất cập; việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước về dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên thiếu đồng bộ, chưa có ưu đãi tốt cho đối tượng thanh niên nông thôn, vùng sâu; việc làm của một bộ phận thanh niên, nhất là thanh niên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học tiếp tục là thách thức lớn; các nguồn lực hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu cụ thể. Bên cạnh đó, các dự án cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, đối tượng cho vay là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ chiếm dưới 10%; mức cho vay thấp, lãi suất chưa linh hoạt, nhu cầu vay lớn nhưng nguồn vốn chỉ đáp ứng 30-35%...

Để khắc phục tình trạng này cần rà soát hiệu quả thực hiện các chương trình, đề án về việc làm cho thanh niên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định, chính sách của Đảng, Nhà nước; thường xuyên tổ chức đối thoại với thanh niên để tháo gỡ khó khăn, từ đó có chính sách "sát sườn" với họ. Đồng thời, cần tăng cường phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trong công tác học nghề và tạo việc làm, nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về học nghề, lập nghiệp, nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn cơ sở về nghề nghiệp, việc làm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần những giải pháp thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.