Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân lực khoa học và công nghệ: Hẫng hụt đội ngũ kế cận

Thế Dũng| 04/07/2012 06:11

(HNM) - Hệ thống thang bảng lương chủ yếu căn cứ vào thâm niên công tác, chưa chú trọng đến trình độ chuyên môn và hiệu quả công việc; tình trạng


Chế độ "cào bằng"

Theo thống kê của Bộ KHCN, từ năm 1996 đến nay, số tổ chức KHCN ở nước ta từ 519 đã lên đến 1.513 đơn vị, tăng gần 3 lần. Tương đương với đó, nhân lực KHCN cũng tăng từ 22.300 người lên tới hơn 60.500 người… Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của đội ngũ này chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước. Nguyên nhân có nhiều, trong đó không thể không nhắc đến chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này còn rất nhiều bất cập.

Sinh viên khoa Sinh học, Trường Đại học KHTN - ĐHQGHN làm thí nghiệm tại Phòng sinh học phân tử. Ảnh: Bích Ngọc


TS Văn Tất Thu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, hệ thống thang, bảng lương của các nhà khoa học chưa chú trọng đến yếu tố hiệu quả công việc, không phản ánh đúng mức chênh lệch về trình độ chuyên môn cũng như công việc đang đảm nhiệm. Chính sách tiền lương chưa bảo đảm cuộc sống của cán bộ khoa học, chưa thu hút được người có trình độ chuyên môn cao ở lại phục vụ lâu dài trong bối cảnh cạnh tranh thu hút nhân tài trong nền kinh tế thị trường.

Có một thực trạng khác là việc phân bổ thu nhập của cán bộ khoa học theo cơ chế hiện hành không sát thực tế, vẫn còn tình trạng "cào bằng". Theo đó, nhà khoa học dù làm nhiều, làm ít hoặc không làm gì nhưng nếu thuộc danh sách biên chế, trả lương của tổ chức KHCN công lập thì vẫn được ngân sách chi trả. Ngoài ra, khi nghiên cứu đề tài, dự án lại được hưởng thêm phụ cấp và đây mới là thu nhập chính của đa phần nhà khoa học hiện nay. Mặt khác, phần lớn cán bộ KHCN đều tự tìm nguồn kinh phí để thực hiện tự đào tạo. Các nguồn kinh phí để thực hiện chính sách đào tạo và đào tạo lại cán bộ còn mang tính chất "mưa cho khắp", chưa mang tính cạnh tranh cao nên không tác động nhiều đến việc tạo động lực nghiên cứu cho cán bộ KHCN.

Theo Bộ NN&PTNT, cán bộ KHCN nông nghiệp nhìn chung có thu nhập thấp. Hệ số lương của giáo sư, phó giáo sư bình quân là 5,99 tương ứng với lương khoảng 4,97 triệu đồng/tháng; tiền lương đối với tiến sĩ, thạc sĩ lần lượt là 4 và 2,9 triệu đồng. So với mức sống hiện nay, tiền lương trả cho nhà khoa học rõ ràng không đủ sống ở mức trung bình nếu không "xoay xở".

Bài toán đãi ngộ

GS Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cảnh báo, chỉ 5-7 năm nữa, nước ta sẽ thiếu hụt trầm trọng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ có trình độ. Nguyên nhân là do "đầu vào" của các trường đào tạo về khoa học đang có "vấn đề". Năm 2012, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận được rất ít hồ sơ đăng ký tuyển sinh từ các trường THPT danh tiếng và ngành khoa học xã hội nhân văn lại càng giảm hơn. Giới trẻ không thích vào ngành khoa học thì đồng nghĩa với việc các cơ quan nghiên cứu không tuyển dụng được người tài. Các nhà khoa học đầu ngành đến tuổi về nghỉ hưu mà không tìm được người kế cận xứng đáng. Câu chuyện ở đây không còn là bài toán thu nhập của mỗi cá nhân mà trở thành vấn đề quốc gia.

Trong khi đó, từ năm 2006, Bộ KHCN đã xây dựng đề án đào tạo cán bộ khoa học theo êkíp và đề án sử dụng, trọng dụng cán bộ KHCN, tập trung vào nội dung: thí điểm áp dụng cơ chế tự chủ đặc biệt về tài chính đối với các nhà khoa học được Nhà nước giao chủ trì nhiệm vụ KHCN đặc biệt cấp quốc gia; thí điểm áp dụng cơ chế tự chủ tài chính đặc biệt đối với cán bộ KHCN xuất sắc được giao nhiệm vụ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KHCN tại các trường ĐH, các tổ chức KHCN trọng điểm. Ngoài ra, sẽ ban hành bổ sung một số chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài và các nhà khoa học người nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam. Tuy nhiên, không hiểu do đâu, chủ trương, chính sách này chưa được các cấp có thẩm quyền thống nhất trình Thủ tướng phê duyệt.

Qua một diễn đàn thanh niên của một đơn vị thuộc Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), với câu hỏi "Lý do bạn muốn làm việc tại VPI?", kết quả nhận được là 77,8% trả lời là có môi trường làm việc tốt và 25,9% trả lời do có thu nhập ổn định. Điều đó cho thấy đối với người làm khoa học, thu nhập không phải là vấn đề chính để họ làm việc mà cốt lõi là môi trường làm việc tốt để họ được tự khẳng định mình và có cơ hội thăng tiến mới.

GS Vũ Minh Giang cho biết thêm, không thể ban hành một chính sách đãi ngộ chung cho tất cả giới khoa học mà cần phải phá bỏ "chủ nghĩa bình quân". Hãy công tâm chọn ra những nhà khoa học có trình độ, xây dựng những nhóm khoa học mạnh và đầu tư thật xứng đáng để có kết quả nghiên cứu tốt. Điều này đòi hỏi quyết sách từ lãnh đạo cấp cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhân lực khoa học và công nghệ: Hẫng hụt đội ngũ kế cận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.