Theo dõi Báo Hànộimới trên

Núi lửa ở Việt Nam thời cổ xưa

Theo Kiến thức| 25/09/2012 10:40

Dấu hiệu cuối cùng về hoạt động của núi lửa ở Việt Nam từng xuất hiện ở ngoài khơi thành phố Phan Thiết, còn trên dãy núi Ba Vì có một tầng

Tia chớp xuất hiện trong đám tro của một núi lửa đang phun trào.
Ảnh minh họa: blogspot.com.


Những bằng chứng khoa học cho thấy, hoạt động núi lửa mãnh liệt và muộn nhất ở Việt Nam từng xảy ra ở mảnh đất Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Nơi đó vẫn còn lưu giữ rất nhiều di tích của núi lửa "trẻ" đã tắt, mà thời gian của những đợt phun trào cuối cùng của chúng ứng với giai đoạn Miocen muộn - Pleistocen (cách đây 11 triệu đến 11.000 năm). Hiện nay, miệng của nhiều núi lửa còn thể hiện rõ dạng phễu hoặc hình lòng chảo. Họng núi lửa thường đã bị lấp kín. Nhiều miệng núi lửa đã được tích nước, trở thành những hồ nước hình tròn độc đáo, tiêu biểu là hồ Tơ Nưng (Biển Hồ) ở Pleiku.

Biểu hiện hoạt động núi lửa cuối cùng ở Việt Nam từng xảy ra ở ngoài khơi Phan Thiết. Vào tháng 2/1923, thủy thủ trên tàu Vacasamaru của Nhật Bản đã nhìn thấy một đám khói đen ở vùng biển này kèm theo cột hơi nước dày đặc bốc cao hơn 2.000m, cùng với những tiếng nổ mạnh. Ngày 8/3 năm đó, quá trình phun trào núi lửa đã xảy ra, nhưng yếu ớt. Ngày 15/3/1923, núi lửa tạm ngừng phun để đến 20/3/1923 nó phun trở lại lần cuối. Kết quả đợt phun trào ấy là sự hình thành của một hòn đảo từ tro bụi núi lửa. Nó được gọi là Hòn Tro. Sau này, Hòn Tro đã bị sóng gió đánh tan, do nó hình thành từ những sản phẩm núi lửa chưa được cố kết chặt chẽ.

Núi lửa từng phun trào ở Hà Nội?

Những núi lửa sau khi tắt bao nhiêu lâu có thể coi như không còn khả năng hoạt động trở lại? Đến nay, dù khoa học đã có những bước tiến đáng kể, nhưng các chuyên gia vẫn chưa tìm ra lời giải đáp chính xác cho câu hỏi này, bởi núi lửa hoạt động theo chu kỳ không rõ ràng. Nhiều núi lửa chỉ phun trào một lần rồi tắt hẳn. Vài núi lửa ngủ yên vài trăm năm bỗng thức dậy, như núi lửa ở Băng Đảo (Iceland) đã hoạt động trở lại sau gần hai thế kỷ ngủ yên.

Một núi lửa khác có miệng nay đã trở thành hồ Taupo ở New Zealand, gần Australia, một hồ nước có đường kính tới 35 km. Đợt phun trào cuối cùng của núi lửa Taupo là vào năm 186 sau công nguyên. Núi lửa này có chu kỳ hoạt động khoảng 2.000 năm. Và như thế, thời điểm mà núi lửa Taupo phun trào trở lại đã cận kề.

Với những núi lửa đã ngủ yên đến vài chục triệu năm, có thể coi là khó có điều kiện hoạt động trở lại. Hoạt động phun trào của núi lửa từng xuất hiện trong vùng Hà Nội, nhưng chúng đã "ngủ yên" trên 250 triệu năm rồi. Do vậy, ngay việc tìm được miệng núi lửa cổ ở đây cũng là một thử thách. Và nếu các nhà khoa học tìm được miệng của những núi lửa ấy thì chúng cũng đã bị lấp đầy, biến dạng đến mức chẳng dễ nhận biết và chắc chắn là vô hại. Chúng hoàn toàn không thể gây hiện tượng sụt lún, tạo những "hố tử thần" tương tự trường hợp ở đường Lê Văn Lương thời gian qua.

Giáo sư, tiến sĩ Tạ Hòa Phương nghiên cứu tầng "bom núi lửa" trên núi Ba Vì.
Ảnh: Kiến thức.


Bom núi lửa ở Ba Vì

Sản phẩm phun trào của núi lửa tồn tại ở cả ba thể là rắn, lỏng và khí. Dung nham trào qua miệng núi lửa, chảy thành dòng hoặc tạo lớp phủ chính là sản phẩm lỏng. Khi đông cứng, chúng tạo thành đá phun trào. Sản phẩm khí gồm hơi nước và nhiều loại khí, như H2S, SO2, CO, CO2, CH4... Còn sản phẩm rắn gồm khối tảng dạng cứng, tro bụi núi lửa, bom núi lửa. Bom núi lửa là những khối dung nham được tung ra từ miệng núi lửa, đã kịp đông cứng trong không trung trước khi rơi trở lại mặt đất. Chúng có kích thước từ vài centimet đến khoảng một mét.

Trên khu vực đỉnh Vua và đỉnh Tản Viên của dãy núi Ba Vì (Hà Nội) có một tầng sản phẩm được các nhà địa chất gọi là aglomerat. Thực chất đó là tầng bom núi lửa được dòng dung nham gắn kết lại, có dáng vẻ của một tầng cuội kết. Cũng có tác giả gọi đây là tầng cuội kết núi lửa. Mỗi "viên cuội" ấy từng là một "trái bom" núi lửa. Chúng có số lượng vô vàn ở khu vực các đỉnh kể trên và không được coi là đá quý vì về bản chất chúng cũng chỉ là đá núi lửa thông thường, hình thành trong các đợt phun trào núi lửa đã xảy ra cách nay trên 250 triệu năm.

Ngoài ra, rất nhiều sản phẩm do núi lửa phun ra được con người khai thác như khoáng sản nội sinh từ lòng đất đưa ra. Trong đá bazan ở Tây Nguyên các chuyên gia thấy những tầng chứa mã não với những khối có kích thước lên tới hàng mét, rất giá trị. Nhưng kim cương là loại vật chất có giá trị nhất từ núi lửa. Nguồn kim cương của thế giới hiện nay chủ yếu được khai thác từ những họng núi lửa kiểu ống nổ, như ở Nam Phi, Angola, vùng Siberia của nước Nga, Canada... Ở Việt Nam cho đến nay người ta chưa tìm được những họng núi lửa kiểu chứa kim cương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Núi lửa ở Việt Nam thời cổ xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.