Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người Việt Nam "mắc bệnh" lười vận động nhất thế giới

Theo SK&ĐS| 22/12/2012 13:39

Theo nghiên cứu khoa học gần đây được đăng tải trên tạp chí Y khoa The Lancet (Anh), có khoảng 1/3 số người trưởng thành trên khắp thế giới mắc “bệnh” lười vận động.


Một thực trạng đáng buồn là hiện nay, thể trạng của người Việt Nam kém xa với các nước trong khu vực, không những về chiều cao, cân nặng mà cả về các tố chất thể lực, sức bền bỉ. So với Nhật Bản, nam thanh niên Việt Nam 18 tuổi thấp hơn 8cm (163,4cm so với Nhật Bản là 172cm); các thiếu nữ lứa tuổi này cũng thua 4cm về chiều cao (152,7cm so với Nhật Bản là 157cm). Thanh niên Việt Nam chỉ cao ngang thanh niên Lào, Myanmar nhưng thấp hơn thanh niên Campuchia. Về sức bền chung trong vận động, thanh thiếu niên nước ta xếp loại rất kém so với các nước trong khu vực (theo nghiên cứu trong bài viết “Về nâng cao tầm vóc và thể trạng người Việt Nam” của GS. Dương Nghiệp Chí). Điều này là hệ quả của việc thiếu vận động, coi nhẹ thể dục thể thao ở độ tuổi thanh thiếu niên. Đó là chưa kể đến sự thiếu vận động còn là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt bệnh nguy hiểm như: tim mạch, đái tháo đường, béo phì, ung thư vú, ung thư đại tràng… gây ra hậu quả 5,3 triệu người tử vong mỗi năm trên thế giới.

Cái quý nhất của mỗi con người là sức khỏe và trí tuệ. Tập thể dục giúp ngủ nhanh và ngon giấc; giảm đau nhức cơ bắp kinh niên; giảm nguy cơ bị suy tim, ung thư, ngừa sỏi mật; cải thiện hàm lượng cholesterol trong cơ thể, tăng lượng cholesterol tốt và giảm cholesterol xấu. Những người tập thể dục thường hiếm khi bị huyết áp tăng khi họ lâm vào tình trạng stress. Ngoài ra, vận động giúp quá trình chuyển hóa đường glucose hoạt động hữu hiệu hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2…

Như vậy, đã đến lúc cần ý thức xây dựng một cuộc sống “yêu” vận động. Tuy nhiên, nên lưu ý việc vận động như thế nào, trong bao lâu và chọn loại hình nào là tốt nhất, đặc biệt là với nhóm đối tượng có bệnh lý? Các chuyên gia cho rằng, tùy sở thích và thể trạng mỗi người mà có thể chọn cho mình loại hình thích hợp, đừng theo phong trào, “gò mình theo cho bằng được”, kết quả là dáng chưa thấy đẹp, sức vóc chưa thấy khỏe, đã “đứt gánh giữa đường”. Bên cạnh đó, cần kiên trì, nhẫn nại để đạt kết quả như mong muốn.

Ngoài ra, thói quen tập thể dục của cha mẹ cũng tác động lớn đến con cái, đặc biệt là đối với bé gái. Nếu cha mẹ mong muốn con cái mình khỏe mạnh, nên tự nhắc nhở mình cần luyện tập thường xuyên hơn để chúng cảm thấy có một môi trường luyện tập thể dục tốt ngay trong gia đình mình và từ đó học theo.

Song song đó, tăng cường các biện pháp đẩy mạnh phát triển phong trào thể thao trường học cũng là điều hết sức cần thiết. Chẳng hạn, phát triển các môn thể thao phù hợp lứa tuổi học sinh, như: bóng đá, bóng chuyền, điền kinh…, tập trung bố trí, bồi dưỡng đào tạo đảm bảo số và chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy môn thể dục; đẩy mạnh công tác xã hội hóa hỗ trợ cho trường học có điều kiện đầu tư sân chơi, bãi tập, dụng cụ… để phong trào phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Có như vậy, mới góp phần đẩy lùi tâm lý ngại vận động ở một bộ phận không nhỏ học sinh - sinh viên hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Việt Nam "mắc bệnh" lười vận động nhất thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.