Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đột phá từ tư duy

Nữ Quỳnh| 16/04/2014 06:42

(HNM) - Công nghệ thông tin đã mang lại nhiều cơ hội cho các cơ quan báo chí, truyền thông. Giờ đây, khái niệm về một phòng tin tức mà các phương tiện truyền thông kết hợp, hòa nhập, chia sẻ và hợp tác không phải là mới nữa.


Việc xây dựng mô hình tòa soạn tích hợp với ý tưởng về một phòng tin tức hội tụ đơn giản là cần thiết, phá vỡ "bức tường ngăn cách" giữa báo in, truyền hình, phát thanh và báo mạng… tạo ra một "trung tâm" mà ở đó các nhà báo thu thập những câu chuyện, những nguồn tin, trao đổi và đưa đến công chúng bằng nhiều phương thức khác nhau.

Tổ chức sản xuất báo chí theo một mô hình hội tụ như vậy cũng chính là mục tiêu của Hànộimới hiện nay. Tuy nhiên, rào cản lớn cho việc chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang mô hình tích hợp, đa phương tiện chính là "sức ỳ tư duy". Nhiều phóng viên thừa nhận xây dựng tòa soạn tích hợp là điều không thể cưỡng lại. Nhưng họ vốn đang quen với các xử lý "chỉn chu", lối viết có phần "công thức hóa", giờ phải thay đổi cung cách làm việc, phải học hỏi kỹ năng tác nghiệp đa phương tiện thì lại cảm thấy ngại ngần. Và như vậy, sẽ có rất nhiều việc phải triển khai, đặc biệt cần thiết có sự thay đổi đột phá trong cách nghĩ, cách làm. Khi xu hướng báo chí đa phương tiện là tất yếu thì bản thân những người làm báo Hànộimới, từ lãnh đạo đến phóng viên đều cần phải sẵn sàng để "tích hợp", dần dần làm mờ đi ranh giới giữa các phòng ban, loại hình báo chí và với độc giả. Rõ ràng những lợi ích mà tòa soạn tích hợp, đa phương tiện mang lại là báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử hay báo chí trên các thiết bị di động có sự tương hỗ quảng bá lẫn nhau.

Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi kỹ năng của phóng viên phải được nâng cao hơn, đặc biệt là đòi hỏi khả năng sử dụng thành thạo các công cụ tác nghiệp đa phương tiện như máy quay, thiết bị cầm tay, thiết bị truyền phát… Gần đây, xu hướng làm báo trên điện thoại di động đang khẳng định ưu thế, vì thế việc tác nghiệp bằng mobile đang đòi hỏi phải có "tư duy mobile". Một phóng viên sau khi tiếp cận một sự kiện, nguồn tin, cần hoàn thành nhiều công việc như viết tin cho báo giấy, gửi sản phẩm (video, ảnh, bản tin viết) cho truyền hình và phát thanh, báo mạng, cho điện thoại di động một cách nhanh nhất. Phát triển truyền thông xã hội cũng đòi hỏi mỗi phóng viên phải sử dụng được các công cụ xã hội mới như Twitter, Facebook, Google+… để có được những tin tức có chi phí thấp hơn, nhanh hơn, phục vụ cho các đối tượng rộng lớn hơn và thu thập thông tin phản hồi ngay lập tức.

Có ý kiến cho rằng, báo chí hội tụ là vấn đề chiến lược phát triển nội dung của báo chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề không gian, nguồn lực hay công nghệ. Xây dựng tòa soạn hội tụ cũng không nhất thiết cứ phải là những suất đầu tư lớn hay phát triển những hệ thống quản trị nội dung đồ sộ. Thay vào đó, hoàn toàn có thể tận dụng hạ tầng sẵn có, các thiết bị cá nhân mà mỗi phóng viên đã trang bị. Thực tế cũng có rất nhiều công cụ mã nguồn mở có sẵn để giúp triển khai áp dụng truyền thông hội tụ mà không cần bỏ ra chi phí cao…

Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh truyền thông ngày càng gay gắt thì báo chí hội tụ sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là chỉ tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả trong sản xuất tin bài. Nó được cho là sẽ mang tới lợi ích lớn cho tòa soạn và cho việc kinh doanh báo chí. Nhưng để làm được điều đó, trước hết cần thiết phải có sự đột phá từ trong tư duy, cách nghĩ của mỗi cán bộ, phóng viên trong tòa soạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đột phá từ tư duy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.