Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể phát triển nếu còn độc quyền!

ĐẶNG LOAN| 05/09/2014 07:13

(HNM) -


Bị ăn cắp bản quyền vì không có… trọng tài

Ông Nguyễn Trọng Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ Trí tuệ Trẻ bức xúc phản ánh vấn đề tranh chấp bản quyền phần mềm mà công ty ông đang… không biết hỏi ai! Theo đó, Công ty Trí tuệ Trẻ sản xuất phần mềm Quick Decision về bán lẻ và nhà hàng nhưng bị một công ty khác ăn cắp bản quyền. Tháng 5-2014, sau khi thu thập nhiều chứng cứ, Công ty Trí tuệ Trẻ nộp đơn khởi kiện lên TAND TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi thụ lý, TAND thành phố cũng lúng túng vì không có đơn vị nào giám định phần mềm để xác định chứng cứ vi phạm. Công ty Trí tuệ Trẻ cho biết, không thể tìm ra đơn vị thứ 3 đứng ra giám định. Khi liên hệ với nơi cấp bản quyền là Cục Bản quyền tác giả thì được trả lời: Chưa thành lập bộ phận giám định phần mềm và Cục Bản quyền cũng không giám định. Trong lúc mọi việc chưa ngã ngũ thì bên đơn vị mà Trí tuệ Trẻ cho rằng ăn cắp bản quyền đã được cấp bản quyền tác giả!

Một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử tại Khu chế xuất Tân Thuận.


Ông Nguyễn Huy Đức, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ thành phố cho biết, một bản quyền, một sản phẩm đưa ra được công bố rõ ràng là nghiễm nhiên được đăng ký không qua xét duyệt, nếu có tranh chấp thì tòa án giải quyết. Tòa án sẽ chỉ định đơn vị có chức năng giám định thực hiện việc giám định để xác định đúng - sai. Tuy nhiên ông Đức cũng cho biết, thực tế những vấn đề liên quan đến bản quyền, sở hữu trí tuệ đều rất vướng, khó khăn vì chưa có đơn vị giám định. Theo ông Đức, nếu cần thiết thì tòa án và công ty nên chấp nhận chuyên viên của hội giám định để gỡ vướng trước mắt.

Doanh nghiệp không có "cửa" vì độc quyền

Ông Trần Văn Hoàng, đại diện của Công ty cổ phần Sao Thăng cho rằng, có sự độc quyền trong cung cấp sản phẩm. Cụ thể Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh chỉ duyệt cho phép các cơ quan hành chính được dùng phần mềm imas (phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp) của Cục Tin học sản xuất. Theo ông Hoàng, Cục Tin học là đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước để hoạt động nhưng lại sản xuất sản phẩm để bán và áp đặt như vậy là cạnh tranh không lành mạnh.

Trả lời Công ty Sao Thăng, đại diện Sở Tài chính cho biết, phần mềm kế toán này được triển khai theo quyết định của Bộ Tài chính về ứng dụng CNTT đồng bộ, thống nhất của Bộ Tài chính với các cơ quan tài chính địa phương nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, điều hành, được thực hiện từ năm 2009. Phần mềm này không phải của Cục Tin học mà là của Trung tâm Dịch vụ (thuộc Cục Tin học) là đơn vị sự nghiệp có thu. Đại diện sở này cũng khẳng định, không "đóng cửa" với DN, nếu DN nào sản xuất phần mềm đồng bộ thì cứ đến chào hàng.

Liên quan đến vấn đề độc quyền, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều DN trong hội cũng phản ánh tình trạng "đi đâu cũng bị đóng cửa" vì tình trạng "cung cấp trọn gói" của một DN lớn nào đó. Chẳng hạn, với phần mềm giáo dục thì Bộ GD-ĐT hợp tác với Viettel và đơn vị này cam kết sẽ cung cấp hết cho Bộ tất cả các dịch vụ về CNTT từ phần cứng đến phần mềm… khiến các DN khác trong lĩnh vực này rất thiệt thòi. Ông Phí Anh Tuấn nêu ra câu hỏi "Như vậy có phải là độc quyền hay không?" và "Giả sử nếu sau này các bộ khác lại tiếp tục hợp tác trọn gói với tập đoàn lớn nào đó thì các DN còn lại… hết đường làm ăn!".

Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT-TT cho rằng, Bộ cũng rất quan ngại về việc độc quyền. "Việc chống độc quyền thì các cơ quan nhà nước phải thực hiện, còn DN thì luôn hướng tới thị phần lớn nhất, thậm chí là 100%", ông Hồng nói. Ngoài ra, ông Hồng cũng cho biết, Chính phủ đang giao cho Bộ TT-TT và Bộ đang tham vấn các cơ quan liên quan nhằm đưa ra những quy định phù hợp để có thể có sự hợp tác của DN do Chính phủ và Bộ lựa chọn nhưng không hạn chế sự hợp tác của các DN khác. Theo đó, giải pháp là đưa ra các tiêu chuẩn về chuẩn, kết nối liên thông… để các DN khác cùng tham gia.

"Trong điều kiện mọi thứ đều mới và muốn phát triển nhanh thì một DN lớn lại đưa ra những đề xuất hấp dẫn để thực hiện nên dễ được đồng ý", ông Lê Mạnh Hà phát biểu. Ông Hà nêu quan điểm không thể độc quyền, nhưng vấn đề là phải có những biện pháp hiệu quả bởi chống vấn đề này không phải dễ dàng, không phải riêng ở Việt Nam mà cả trên thế giới. UBND TP Hồ Chí Minh sẽ cố gắng tránh độc quyền nhưng có những vướng mắc khi triển khai đồng bộ với dữ liệu cả nước, nên sẽ phải cân nhắc thật cụ thể. Trong điều kiện cần chọn một DN lớn, mạnh để đưa ra sản phẩm cuối cùng thì cần tạo điều kiện để các DN nhỏ làm "vệ tinh", sản xuất các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ. Bởi nếu chỉ một DN lớn, độc quyền thì ngành CNTT nói riêng và nền kinh tế nói chung không thể phát triển được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể phát triển nếu còn độc quyền!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.