Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tương lai của thanh toán

Theo Anh Đức| 20/10/2014 14:53

Ngay cả những chiếc thẻ tín dụng cũng trở nên lỗi thời trước những công nghệ thanh toán mới đang được phát triển và ngày càng phổ biến.

Làn sóng công nghệ đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong cách thanh toán của con người. Từ tiền giấy, tiền xu, mua hàng trả tiền tại quầy, quẹt thẻ một cách thủ công, nhân loại đã tiến đến giai đoạn thanh toán online và thanh toán qua thiết bị di động.

Business Insider (BI) vừa cho ra mắt nghiên cứu quy mô của họ về tương lai của lĩnh vực thanh toán. Theo dự báo của BI, lưu lượng giao dịch bằng tiền mặt tại Mỹ sẽ giảm xuống còn 1.340 tỷ USD vào năm 2018, so với con số 1.418 tỷ USD năm 2013. Cùng với tiền mặt, séc cũng đang chết dần. Năm 2013, ước tính toàn nước Mỹ có 16 tỷ USD được giao dịch bằng séc, nhưng con số này có thể chỉ còn 9 tỷ vào năm 2018.

Sau 3 năm, lượng sử dụng phương thức thanh toán bằng séc, tiền mặt đang giảm xuống, ngược lại xu hướng thanh toán online, thẻ tín dụng và ghi nợ, thanh toán qua điện thoại đang tăng lên.


Hiện ở Mỹ, thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ được dùng phổ biến nhất. Năm 2013, lần đầu tiên người Mỹ dùng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ nhiều hơn tiền mặt khi thanh toán, mua bán. Tuy nhiên, khoảng 20% giao dịch bằng các loại thẻ trên diễn ra trên mạng, không phải ở các cửa hàng.

Nghiên cứu của Business Insider cũng chỉ ra rằng, trong tương lai gần, điện thoại sẽ được sử dụng một cách phổ biến để thanh toán hóa đơn. Từ nền tảng ứng dụng điện thoại, các công ty đã và sẽ tạo ra nhiều phương thức thanh toán mới.

Một số xu hướng thanh toán mới đang dần phổ biến:

- Đầu đọc thẻ thanh toán trên thiết bị di động: Đây là một thiết bị cắm vào điện thoại hoặc thiết bị di động cho phép khách hàng thanh toán bằng cách quẹt thẻ qua thiết bị đó. Dù cách thanh toán này chưa phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, khảo sát của BI cho thấy 40% cửa hàng nhỏ ở Mỹ đã lắp đặt thiết bị. Dù có 18% người Mỹ được hỏi vẫn chưa biết nó là gì, thiết bị này đang dần trở nên phổ biến hơn. Số lượng người cho biết họ đã trải nghiệm thiết bị tăng từ 14% lên 19% trong một năm qua tại Mỹ.

Đầu đọc thẻ được cắm vào điện thoại để thực hiện thanh toán.


- Thanh toán bằng ứng dụng: Nhiều nhà hàng ở Mỹ đã áp dụng phương thức thanh toán bằng ứng dụng điện thoại. Sau khi cài ứng dụng của riêng nhà hàng, khách có thể thanh toán nhanh chóng bằng mã QR mà không phải chìa bất cứ chiếc thẻ nào. BI dự báo đến năm 2015, một nửa số nhà hàng ở Mỹ sẽ chấp nhận thanh toán bằng ứng dụng trên điện thoại. Starbucks cho biết doanh thu bán hàng qua ứng dụng điện thoại của họ đạt con số trên 300 triệu USD trong quý một năm nay. McDonald's cũng đang phát triển ứng dụng của riêng mình.

- Các ứng dụng thanh toán "person to person" như M-Pesa hay Venmo cũng thu hút lượng giao dịch lên tới hàng trăm triệu USD.

- Một số ứng dụng khác đang dần xóa nhòa ranh giới giữa thanh toán online và offline. Ví dụ việc thanh toán dịch vụ gọi xe taxi được thực hiện hoàn toàn giữa những chiếc điện thoại với nhau. Nhiều công ty đang phát triển các ứng dụng thanh toán offline dành cho thực khách ở nhà hàng.

- Dù không được pháp luật một số nước thừa nhận, Bitcoin vẫn đang thu hút nhiều tiền đầu tư hơn bao giờ hết. Năm 2014, lượng tiền đổ vào các công ty khởi nghiệp Bitcoin tương đương 284 triệu USD, cao hơn gấp 3 lần so với một năm trước đó.

- Beacons: PayPal đang phát triển một phương thức mới để mua hàng đó là dùng Beacons. Đây là một thiết bị dùng để thanh toán được kết nối với điện thoại qua Bluetooth.

- Thiết bị thanh toán đeo tay Wearables, bao gồm đồng hồ thông minh, vòng đeo tay thể dục. Thiết bị này cho phép thanh toán không cần dùng điện thoại, tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt - Xu hướng toàn cầu

Nghiên cứu của BI dự báo đến năm 2018, các thị trường mới nổi sẽ chiếm gần nửa lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt của thế giới. Đặc biệt ở châu Phi, phương thức thanh toán qua di động đang phát triển chóng mặt khi nhiều người không có máy tính để bàn nhưng lại có điện thoại di động. Ở Kenya, hầu như mọi người dân (chiếm 92% dân số) tại đây đều từng dùng ứng dụng qua điện thoại (chủ yếu là M-Pesa) để thanh toán.

Lý do khiến thanh toán qua di động dễ dàng phát triển ở các nước đang phát triển vì điện thoại là thứ phổ biến hơn cả. Trong khi dân số toàn cầu là 7,2 tỷ người, hiện có 5 tỷ điện thoại di động được sử dụng. Ở nhiều thị trường đang phát triển, người dân chưa được "phổ cập" thẻ tín dụng. Ví dụ tại Ấn Độ, chỉ 5% dân số sở hữu thẻ tín dụng. Bù lại họ dễ dàng tiếp cận chiếc điện thoại thông minh. Thanh toán qua điện thoại giúp co hẹp khoảng cách về công nghệ đối với hàng tỷ người ở các nước nghèo/đang phát triển trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tương lai của thanh toán

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.